Lý "cùn"

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tuần qua, bàn luận nhiều nhất trên báo chí lẫn mạng xã hội, là về những lời khai sốc của các bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu“. Nào là doanh nghiệp tự liên hệ để cám ơn”, nhận hối lộ vì ”tiền của doanh nghiệp chứ không phải ngân sách”, thậm chí do “thương người’, “nể nang”, “không nghĩ mình làm sai”...

Quan niệm thật vô hại, với những gương mặt và phát ngôn thật…vô tội. Cầm tiền tỷ, hàng chục tỷ, nói theo kiểu dân gian là không cần nghĩ. Có lẽ là với không ít quan chức hiện giờ, nhận hối lộ đã trở thành một thói quen, đến nhàm chán. Với hàng trăm, hàng ngàn lần thản nhiên cầm lấy những "món quà" lớn nhỏ, chẳng buồn nhớ.

Tuy nhiên, phiên tòa đang dần vén lên bức màn đen che đậy động cơ và vô số đòn phép, thủ đoạn nhơ nhớp phía sau của đủ loại cựu quan chức đang đứng trước tòa với gương mặt vô hại và phát ngôn vô tội. Các bị cáo là doanh nghiệp đồng loạt kêu bị quát mắng, bị ép phải chung chi. Nhưng các doanh nghiệp mất chục tỷ bôi trơn, thì cũng tranh thủ dịp này thu về nhiều hơn thế, từ những đồng tiền xương máu của dân. Là những công dân, sinh viên, người lao động, ngư dân vừa ra tù, kể cả gái bán hoa thời điểm đó đang mắc kẹt vì dịch COVID-19 ở các nước, trong hoàn cảnh kiệt quệ mọi điều kiện vật chất, y tế tối thiểu để có thể cứu mạng chính mình. Những bị hại đáng thương đó không có mặt tại tòa, để kêu lên tiếng kêu căm phẫn, trước lý lẽ "cùn" của đám cựu quan chức.

Tuần qua, có một vụ việc tưởng chừng “rất nhỏ” lại khiến tôi lưu tâm đặc biệt. Đó là tại kỳ thi công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang mới đây, thấy cảnh nhiều người vô tư mở tài liệu chép bài, một thí sinh đã bức xúc đứng dậy đề nghị giám thị lập biên bản xử lý. Biên bản được lập, nhưng không một ai trong phòng thi bị đình chỉ. Thấy vậy, thí sinh tố giác đã bỏ không làm tiếp bài thi, mà ngồi tự biến mình thành “giám thị” theo dõi phát hiện các trường hợp vi phạm, và lập vi bằng ngay trên tờ giấy thi của mình.

Vụ việc không thấy báo nào quan tâm, ngoài Tiền Phong. Được biết đó là một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành luật. Chắc chắn trong danh sách trúng tuyển đợt thi trên sẽ không có tên chàng trai đơn độc ấy. Và sẽ khó trở thành một quan chức trong tương lai, thậm chí còn khó tồn tại trong cơ quan, ban ngành nào đó dù chỉ là chân viên chức...

Mialan Kundera, văn hào lớn nhất thế kỷ 20 còn sót lại vừa vĩnh biệt chúng ta đầu tuần qua. “Chúng ta từ lâu đã biết rằng không còn khả năng lật ngược thế giới này, không thể định hình lại nó, cũng như chống lại sự vội vã nguy hiểm của nó. Chỉ có một khả năng kháng cự duy nhất: không xem xét nó một cách nghiêm túc”. Cách mà Kundera thường xuyên dùng để "kháng cự" những phi lý, bất công trên đời này, đó là cái cười. Dù rất nhiều khi không cười nổi.

Ngày mai 17/7, là Ngày Biểu tượng cảm xúc thế giới (World Emoji Day). Emoji phổ biến nhất là mặt cười, nhưng còn nhiều hơn thế là biểu tượng cười ra nước mắt.

MỚI - NÓNG