Lương 2011: Tài chính, ngân hàng dẫn đầu

Lương 2011: Tài chính, ngân hàng dẫn đầu
TP - Ngày 19-1, Bộ LĐTB&XH công bố mức lương, thưởng Tết của các loại hình doanh nghiệp năm 2011. Bộ đang hoàn thiện kết luận về việc trả lương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến sau Tết sẽ công bố.

> Không để xảy ra nợ lương, thưởng của công nhân

Sau Tết, lương của EVN sẽ được Bộ LĐTB&XH công bố
Sau Tết, lương của EVN sẽ được Bộ LĐTB&XH công bố .
 

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền công, Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết, cuộc điều tra tiến hành trên 1.660 doanh nghiệp ở 17 tỉnh, thành phố, theo kết quả thu nhập bình quân năm 2011 của các ngành nhìn chung khá thấp.

Ngành nông, lâm nghiệp là 3,78 triệu đồng/người/tháng; thủy sản (3,85 triệu), khai khoáng, chế biến, chế tạo (3,95 triệu); sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước (5,16 triệu); xây dựng (4,45 triệu), thương nghiệp bán buôn, bán lẻ và sửa chữa (4,68 triệu); vận tải kho bãi (4,59 triệu); dịch vụ lưu trú và ăn uống (4,42 triệu); thông tin và truyền thông (5,43 triệu); tài chính ngân hàng và bảo hiểm (5,61 triệu).

Đặc biệt, tiền lương bình quân của người lao động ở các doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2011 được trả cao hơn 1,4 lần tiền lương bình quân ở các doanh nghiệp không có lợi nhuận hoặc lỗ. Trong khi đó, lương bình quân của người lao động ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trả cao nhất là 4,41 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp đến là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối với mức 3,88 triệu đồng/người/tháng. Khối doanh nghiệp FDI được trả 3,63 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất ở doanh nghiệp dân doanh là 3,32 triệu đồng/người/tháng.

Chênh lệch lương cao nhất 19,3 lần

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ LĐTB &XH, các doanh nghiệp FDI thường trả lương cho lao động quản lý cao hơn khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước chi phối. Ngược lại, lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh và nhân viên thừa hành, phục vụ có mức lương bình quân thấp hơn.

Chênh lệch mức lương cao nhất với mức lương thấp nhất trong doanh nghiệp FDI bình quân là 19,3 lần, trong khi mức chênh lệch của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ khoảng 8 lần và doanh nghiệp dân doanh khoảng 5,5 lần.

Tiền lương bình quân trả cho các chức danh, vị trí cụ thể của các doanh nghiệp khá cao. Lương bình quân trả cho chức danh cán bộ quản lý trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2011 thấp nhất so với các ngành khác với mức gần 7,5 triệu và 6,79 triệu đồng/người/tháng.

Dẫn đầu về trả lương bình quân cao cho cán bộ quản lý là ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm với mức xấp xỉ 16 triệu/người/tháng. Tiếp đến là công nghiệp khai thác, chế biến (10,37 triệu); Vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc (9,85 triệu); Khách sạn, nhà hàng (9,45 triệu); Thương nghiệp, bán buôn, bán lẻ ( 8,19 triệu). Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước trả lương bình quân cho cán bộ quản lý ở mức gần 9,56 triệu/người/tháng.

“Việc công bố lương của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường là không được phép. Hơn nữa, khi tiến hành điều tra mức lương của các doanh nghiệp, chúng tôi cũng cam kết không công bố tên cụ thể của các doanh nghiệp”, bà Minh trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về mức lương cụ thể của các doanh nghiệp ngành điện.

Sớm công bố kết quả thanh tra lương EVN

Thứ trưởng LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, từ năm 2012, sẽ phân tích sâu hơn về mức lương chênh lệch giữa các khối và sẽ chủ động cung cấp mức lương của các ngành nghề để người dân biết và giám sát. Về kết quả thanh tra tiền lương của EVN và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Huân cho biết, về sơ bộ, tiền lương ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cao hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kết quả kiểm tra sơ bộ của bộ cho thấy, nội bộ ngành điện chia làm 3 khối với mức thu nhập khác nhau. Đứng đầu về trả lương cao là khối sản xuất, cung cấp nguồn và khối công ty mẹ năm 2010 với mức lương 13,7 triệu đồng/người/tháng. Kế đó là khối truyền tải (10,8 triệu đồng/người/tháng) và khối mua bán, phân phối điện (7,9 triệu đồng/người/tháng).

“Bộ và Bộ Tài chính đã thẩm định lại đơn giá tiền lương của công ty mẹ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thấy quá trình thực hiện hoàn toàn đúng theo quy định. Kiểm tra cho thấy ba khối này trả lương chênh nhau do chất lượng lao động và một số yếu tố chủ quan khác cần được làm rõ. Trách nhiệm của tập đoàn trong phân phối lương trong nội bộ các khối của ngành điện cho hợp lý. Dự kiến, sau Tết sẽ công bố công khai các kết quả kiểm tra”, ông Huân cho biết.

Theo ông Huân, mức lương, thu nhập của ngành điện như vậy là thấp trong khi đây là ngành hoạt động trải rộng khắp, chất lượng lao động cao, hơn 90% lao động có đào tạo và trên 40% lao động có trình độ từ đại học trở lên.

Thưởng Tết âm bình quân 3,21 triệu đồng

Theo bà Minh, tính đến 31-12-2011, theo báo cáo của các Sở LĐTB&XH, tiền thưởng bình quân Tết dương lịch năm 2012 là 928 nghìn đồng/người, bằng 88,6% so với mức thưởng Tết dương lịch bình quân năm 2011. Tiền thưởng bình quân Tết Nguyên đán năm 2012 là 3,21 triệu đồng/người, bằng 120,2% so với năm 2011.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG