Bản tăng gô dành cho ba người
And Tango Makes Three là tên cuốn sách được xuất bản tại Mỹ năm 2005 của hai tác giả Peter Parnell và Justin Richardson viết dựa trên câu chuyện có thật của Roy và Silo, hai chú chim cánh cụt tại sở thú công viên trung tâm New York.
Chuyện kể rằng hai chú chim kia yêu nhau. Chúng làm tổ chung, sống như vợ chồng và cố ấp một hòn đá giống quả trứng. Khi những nhân viên sở thú biết được điều này, họ đã sử dụng trứng của vợ chồng cánh cụt hàng xóm. Cặp đôi này có tới 2 quả trứng và không thể chăm sóc cùng lúc. Nhờ vậy Roy và Silo mới có cơ hội. Chúng thay nhau ngồi trong tổ cho tới khi trứng nở ra cô bé cánh cụt con xinh xắn, được nhân viên đặt tên là Tango. Bộ ba cánh cụt từ đó hạnh phúc bên nhau.
Câu chuyện cảm động này nhanh chóng nổi tiếng toàn nước Mỹ và nhận nhiều giải thưởng. Tiêu biểu như giải thưởng của Hiệp hội thư viện Hoa Kỳ hay của Hội đồng lựa chọn sách dành cho thiếu nhi. Cuốn sách cũng được phát hành rộng rãi. Tầm phổ biến dần vượt khỏi biên giới nước Mỹ.
Tranh cãi
Sự nổi tiếng của cuốn sách đi kèm với cuộc chiến văn hóa- là đề tài tranh luận không dứt về hôn nhân đồng tính, việc nhận con nuôi và đồng tính luyến ái ở động vật. Chẳng thế mà nó liên tục đứng đầu danh sách Các cuốn sách bị chỉ trích nhiều nhất trong năm (Most challenged books) của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Nên nhớ Harry Potter hay Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn cũng từng nằm trong danh sách này.
Ngay một đất nước tự do như Mỹ, cũng rất nhiều người không chấp nhận chuyện chim cánh cụt cùng giới yêu nhau, thậm chí “ngủ với nhau”. Họ đánh đồng nó với sự suy đồi đạo đức, nhất là khi sách được viết cho con trẻ đọc. Phụ huynh học sinh nhiều trường đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường rút sách khỏi thư viện hoặc đặt lệnh hạn chế đọc vì không phù hợp lứa tuổi thiếu nhi.“Chúng tôi viết cuốn sách này nhằm giúp phụ huynh dạy con mình hiểu về gia đình có cha mẹ đồng tính. Đây chỉ là một cuộc tranh cãi có lợi cho mối quan hệ đồng tính của con người, chẳng đáng lo ngại hơn chuyện trẻ em nuốt cá nguyên con hoặc phải ngủ trên đá”.
Tác giả Justin Richardson trả lời trên New York Times
Một chiến dịch pháp lý còn được dấy lên nhằm loại bỏ hoàn toàn cuốn sách ra khỏi đời sống tinh thần của trẻ em. Tuy nhiên Hiến pháp Hoa Kỳ “không cho phép đàn áp ý tưởng”, và quyền tự do ngôn luận đã khiến những cuộc tranh cãi vẫn dừng ở đó.
Cuối cùng, tháng 7/2014, không phải Mỹ mà tại Đông Nam Á, thư viện Quốc gia Singapore tuyên bố tiêu hủy các ấn bản của cuốn sách, cùng với hai cuốn nữa dưới áp lực của dư luận với lý do “ủng hộ gia đình”. Tuy nhiên quyết định này đang bị cộng đồng người đồng tính và giới văn học phản đối dữ dội. Ba nhà văn có tiếng đã rút khỏi Hội đồng giải thưởng Văn học Singapore vì quyết định “mù quáng và phân biệt đối xử” trên.