'Lót tay' khi cấp sổ đỏ vẫn phổ biến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 2/4, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.

Báo cáo thể hiện cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của hơn 19.500 người dân trên khắp Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thông qua khảo sát PAPI được thực hiện từ tháng 8 - 11/2023.

Theo đó, năm 2023, Thừa Thiên Huế là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI tổng hợp, với mức điểm 46 (trên tổng điểm là 80), cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,3. Huế cũng là địa phương có số điểm ở hạng mục cung ứng dịch vụ công cao nhất trên cả nước, ở mức điểm 8,3/10.

Đứng kế tiếp là Thái Nguyên (45,7 điểm), Bắc Ninh (45,7 điểm), Sóc Trăng (45,6 điểm), Bạc Liêu (45,5 điểm), Ninh Thuận (45,5 điểm). Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,9 điểm. Đáng chú ý, năm nay tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Dương không được xếp hạng do kết quả khảo sát vượt quá giá trị sai số cho phép thống kê.

'Lót tay' khi cấp sổ đỏ vẫn phổ biến ảnh 1

Chi phí “không tên” khi người dân đi làm sổ đỏ vẫn tồn tại. Ảnh: Như Ý

Về chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, nhóm nghiên cứu cho biết, điểm số của tất cả các tỉnh, thành phố dao động từ 5,86 - 8,15 trên thang đo từ 1-10 điểm. Người dân cũng đánh giá việc phải đưa “lót tay” khi làm thủ tục cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vẫn còn là “một tập quán” phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Theo đó, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi GCNQSDĐ đã phải chi “lót tay” dao động từ 19 - 81% ở 61 tỉnh, thành phố, trong đó Tây Ninh là địa phương có tỉ lệ thấp nhất và Lâm Đồng là địa phương có tỉ lệ cao nhất năm 2023.

TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, đánh giá, dịch vụ hành chính công liên quan đến cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiêu khê hơn so với chứng thực, xác nhận và thủ tục hành chính do cấp xã thực hiện.

“Thiếu niêm yết công khai phí và lệ phí thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là vấn đề phổ biến ở cấp xã của tất cả tỉnh, thành phố”, ông Giang nói.

Khảo sát PAPI lần này cho thấy, ba vấn đề được người dân quan ngại nhất trong năm 2023 là đói nghèo, việc làm và tăng trưởng kinh tế. Theo PAPI, trong số 10 vấn đề dẫn đầu tổng hợp từ hơn 40 vấn đề người dân nêu lên, đói nghèo được 22,3% số người dân lựa chọn, trong khi việc làm là mối quan tâm lớn nhất của 12,79% số người trả lời. Tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba với 9,2% người dân đề cập.

MỚI - NÓNG