'Lòn, chui', chuyện tên cầu

0:00 / 0:00
0:00
Cầu Lòn - cây cầu theo cách gọi của dân Huế vào thời điểm chưa được giải tỏa để mở rộng Ảnh tư liệu
Cầu Lòn - cây cầu theo cách gọi của dân Huế vào thời điểm chưa được giải tỏa để mở rộng Ảnh tư liệu
TP - Ngay khi tấm biển thuyết minh dự án “Cầu chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân” dựng lên gần công trường, những tranh luận, bàn cãi về tên “cầu Chui”, “cầu Lòn” nổ ra và trở nên “nóng”. UBND tỉnh TT-Huế vừa phải chính thức lên tiếng phân tỏ liên quan tên gọi của cây cầu vốn đã đi vào tâm thức người dân Cố đô suốt cả trăm năm nay.

Chuyện cầu Lòn, cầu Chui

Giữa năm 2021, thành phố Huế cho triển khai dự án chỉnh trang, mở rộng tĩnh không, khẩu độ đường Bùi Thị Xuân đoạn chạy “chui” dưới tuyến đường sắt Bắc - Nam qua phường Phường Đúc. Chuyện không có gì đáng bàn và gây tranh luận, nếu đơn vị chủ đầu tư không gọi đây là công trình dự án “cầu Chui” - theo tên của ngành đường sắt đã đặt trước đó cho cây cầu vượt ngang đường bộ Bùi Thị Xuân, đoạn gần cầu Dã Viên. Trong khi, gần cả trăm năm nay, người dân Huế vẫn quen gọi đoạn đường và cây cầu đường sắt này là “cầu Lòn”.

Được biết, dự án mở rộng “cầu Chui” đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân được HĐND tỉnh TT-Huế thông qua vào đầu tháng 5 vừa qua, nhằm chỉnh trang đô thị, tạo bước phát triển cho thành phố Huế. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 20,588 tỷ đồng, khi hoàn thành đảm bảo lưu thông thông suốt cho các loại xe du lịch từ 17 chỗ ngồi trở xuống qua vị trí đường chui cầu đường sắt Bắc - Nam (tại lý trình Km 687+785), góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế xã hội địa phương.

Ngay sau khi tấm biển thuyết minh dự án “Cầu Chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân” được dựng lên gần công trường, những tranh luận, bàn cãi về tên “cầu Chui”, “cầu Lòn” đã nổ ra và trở nên “nóng”, đến mức UBND tỉnh TT-Huế phải chính thức lên tiếng phân tỏ liên quan tên gọi của công trình này.

Nhiều người ở Huế cho rằng, cầu - đường ở đoạn này lâu nay dân gọi thế nào xin hãy giữ nguyên. Bởi cái tên đó đã đi vào tâm thức của bao người, như là một chỉ dẫn địa lý, địa danh, hay vị trí được định danh. Ông Lê Đình Châu (ngụ thành phố Huế) nêu ý kiến: “Ai đã ở Huế, khi nghe tên cầu Lòn là biết ngay cây cầu gần với cầu Dã Viên, phía nam sông Hương. Qua cầu Lòn chạy thẳng một mạch lên vùng Phường Đúc, Long Thọ…”. Anh Nguyên Du (nhà gần cầu Lòn) bày tỏ: “Người dân thắc mắc, tranh luận là có cơ sở, là tâm tư, tình cảm đáng trân trọng! Nếu không vậy, cứ để cho đơn vị giao thông tùy tiện gắn biển theo cách nghĩ và ngôn từ của họ thì thành chuyện đã rồi!”.

Cách đây hơn một năm, có một bài viết đăng trên báo địa phương cũng từng nhắc đến cái tên “cầu Lòn” tại vị trí kể trên như là một địa danh của Huế. Theo bài viết, xưa kia quanh cầu Lòn có một xóm dân ở phường Phường Đúc sinh sống mang tên xóm “cầu Lòn”, còn con đường bộ nằm ở dưới cầu cũng có tên là đường Cầu Lòn. Đường hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo lối đi dễ dàng cho các đoàn hộ giá, nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền. Tên “cầu Lòn” gợi nhớ về cách đặt tên cầu của người Huế. Xưa nay có nhiều tiêu chí để đặt tên, mà phổ biến nhất vẫn là lấy địa danh... Qua bài viết, cái tên “cầu Lòn” được giải thích sơ bộ là vậy.

'Lòn, chui', chuyện tên cầu ảnh 1

Tấm biển công trình ghi dự án “cầu Chui” gây tranh cãi tại nơi dân Huế quen gọi “cầu Lòn” từ gần cả trăm năm nay

Bên cạnh những tranh luận và đề nghị lưu giữ tên “cầu Lòn” tại vị trí công trình dự án đường bộ, đường sắt đang triển khai tại phố Bùi Thị Xuân, cũng có ý kiến cho rằng, tên gọi “Chui, Lòn” là kém sang, thậm chí tối nghĩa. Bởi vì, không có cây cầu nào “chui” hay “lòn” (luồn) ở vị trí nêu trên cả. Thực chất, đây là công trình cầu đường sắt vượt đường bộ Bùi Thị Xuân. Con đường bộ đi vuông góc ngầm thông dưới cầu đường sắt đang được đầu tư mở rộng chính là đường chui (không phải “cầu Chui” như tên dự án gây tranh cãi). Còn cây cầu đường sắt ở đây không “chui” qua bất kỳ công trình, vật thể hay hình thái địa lý nào trên tuyến trình của nó. Có người đề xuất, khi công trình hoàn thành, nên đặt tên cây cầu đường sắt này là cầu vượt Bùi Thị Xuân - một cái tên dễ nhớ, dễ định vị gắn với danh nhân lịch sử và tên đường bên dưới. Còn việc người dân quen gọi tên công trình này là “cầu Lòn” thì vẫn nên tôn trọng và duy trì theo cách của bà con.

Nghịch lý những tên cầu không gọi

Thực ra lâu nay, có rất nhiều công trình xây dựng ở Huế được cơ quan chức năng, chính quyền sở tại đặt tên một đằng, nhưng người dân lại gọi theo cách của họ.

Đơn cử như Sân vận động Tự Do ở Huế. Tên gọi này có từ hàng chục năm trước, nhưng sau đó được đổi thành Sân vận động Huế. Dẫu vậy, cho đến hôm nay, dân Huế hay báo chí vẫn gọi đó là sân Tự Do. Hay như cây cầu Phú Xuân bắc ngang sông Hương thuộc một nhánh của Quốc lộ 1 qua nội đô Huế. Mặc dù công trình có tên chính thức là cầu Phú Xuân, nhưng người dân vẫn quen gọi cầu Mới. Có người thậm chí khi nhắc tên cầu Phú Xuân lại không biết công trình này nằm ở đâu tại Huế.

Tương tự, theo dọc Quốc lộ 1 đi về phía nam tỉnh TT-Huế, nhiều cây cầu đường bộ dù được ngành giao thông gắn biển tên, ghi lý trình hẳn hoi, nhưng lại được người dân gọi theo cách khác.

Đó là cây cầu Hói Rui qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Cầu bắc qua một nhánh sông nhỏ như một con hói, người dân quen gọi đây là cầu Hà Rui, mà hà cũng có nghĩa là sông. Phía nam chân đèo Phước Tượng qua xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, cũng có cây cầu được đặt tên giống với tên đèo. Thay vì gọi cầu Phước Tượng như ngành giao thông gắn biển, dân địa phương lại quen gọi đó là cầu Bì Hồ. Rồi như cầu Bàu Hưng, dân trong vùng gọi là cầu Bàu Mưng, do có thể xưa kia vùng bàu nước này có nhiều cây mưng (lộc vừng). Cách đó hơn một cây số theo lộ trình vào Nam, cũng trên tuyến Quốc lộ 1, có một cây cầu lớn bắc qua thượng nguồn sông Bù Lu được ngành giao thông đặt tên Nước Ngọt, trùng với địa danh xứ Nước Ngọt xã Lộc Thủy. Dân địa phương lại gọi đó là cầu Binh. Nơi đây thời xưa có nhiều đồn lính. Gần đó là cây cầu Cánh Sen, nhưng dân Lộc Thủy lại gọi là cầu Sen.

Ngày 10/6, UBND tỉnh TT-Huế đã phát đi thông tin nêu ý kiến chính thức về tên gọi công trình kể trên. UBND tỉnh TT-Huế khẳng định, cơ quan này không có chủ trương đổi tên công viên Dã Viên và cầu Lòn, vì đây là những công trình, địa danh gắn với lịch sử và sự phát triển của Huế. Còn chính quyền thành phố Huế cho rằng, “cầu Chui” chỉ là tên của dự án.

MỚI - NÓNG