Loạn đào tạo y dược và hệ lụy: Cố gắng sửa sai, chấp nhận giải tán!

TP - Lãnh đạo trường Trung cấp Y dược Hà Nam khẳng định trường này sẽ ngưng tuyển sinh “ngay từ hôm nay”, cố gắng khắc phục các sai phạm để được tiếp tục tồn tại, hoàn tất các khóa Y-Dược đang đào tạo, và đầu tư nâng cấp! Sau đó, khả năng giải tán phân hiệu II tại Đắk Lắk cũng là điều có thể xảy ra...

Ngày 7/12/2015, ông Lương Thế Vũ phó hiệu trưởng trường Trung cấp Y Dược Hà Nam (TCYDHN) xin được làm việc với đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, nhằm bày tỏ sự cầu thị, biết nhận sai và xin sửa sai, về các nội dung liên quan đến trường mà báo Tiền Phong phản ánh trong bài “Báo động loạn đào tạo Y-Dược” đăng trên số báo ra ngày 1/12/2015.

Ông Vũ xác nhận bài báo phản ánh đúng thực trạng khách quan về những bất cập trong đào tạo nghề hiện nay, chỉ ra những sai sót của các phân hiệu thuộc trường TCYDHN.

Ông Vũ cho biết: ông là 1 trong 4 sáng lập viên trường TCYDHN tại Phủ Lý, Hà Nam từ năm 2007, hiệu phó trường phụ trách khu vực phía Nam. Hiệu trưởng trường là bà Trần Thị Kim Oanh. Ông Vũ, bà Oanh đều sinh sống ở Hà Nội. Mấy năm gần đây trường chính tuyển không ra học viên, nên phải mở các phân hiệu (PH) ở phía Nam: PH II tại Đắk Lắk mở cuối năm 2012, PH III tại Ninh Thuận mở năm 2013, PH IV tại Nha Trang mở năm 2014.

Ông Vũ chia sẻ: Do chưa có đất xây trường, PH II phải thuê lại phần lớn mặt bằng Trung tâm dạy nghề Tây Nguyên thuộc sở hữu của thầy Công- cán bộ Sở Giáo dục Đào tạo đã về hưu với giá gần 50 triệu đồng/tháng, và gần 1.000m2 trên tầng 3 Công ty Sách-Thiết bị Trường học địa chỉ 573 Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) gần 30 triệu đồng nữa, rồi bỏ ra tiền tỷ để cải tạo thành 8 phòng học, hợp đồng thuê cả 2 nơi đều ký mỗi lần 5 năm. Trong 123 học viên Y-Dược chuyển từ Gia Lai sang hồi tháng 9/2015, tới nay đã có 70 em xin chuyển sang các trường khác, 53 em trường phải liên hệ chỗ ở tại điểm cho thuê  trọ của thầy Công luôn, cho tiện. Hỏi về đội ngũ giáo viên, ông Vũ cho biết tại PH II này hiện đang trả lương cho khoảng 20 cán bộ nhân viên vừa làm công tác hành chính trị sự vừa kiêm nhiệm giảng dạy tất cả các môn. Còn danh sách 66 giáo viên mà trường thống kê, thì hồ sơ nằm cả ngoài “trường mẹ” ở Hà Nam.  

Chiều 7/12/2015 nhóm phóng viên chúng tôi xuống PH II, thấy học viên các lớp Y- Dược đang học trong dãy phòng cấp 4 chật chội, cũ kỹ, trang thiết bị thô sơ nằm trong hẻm, sát bên một xưởng cơ khí lớn vang rền tiếng máy nổ ồn ào không dứt. Ông Vũ phân trần hiện PH II còn 3 khóa đào tạo dở dang, gồm 6 lớp với hơn 700 học viên. Trong đó khoảng 500 học viên trung cấp Dược, 200 học viên trung cấp Y. Khóa sau cùng tốt nghiệp tháng 10/2017.

Ông Lương Thế Vũ nhờ báo Tiền Phong ghi nhận và chuyển lời lãnh đạo trường xin lỗi các học viên về những rắc rối, bất tiện; xin lỗi các bộ ngành địa phương về những sai phạm không đáng có. Trường hứa cố gắng khắc phục ráo riết các thiếu sót, để 3 khóa hiện đào tạo dở dang được học tiếp. Trong khi chờ được địa phương cấp đất,  trường sẽ ngưng tuyển sinh ngay từ... hôm nay!

Nguồn tin riêng của báo Tiền Phong cho biết: Trong năm 2015 Sở Giáo dục-Đào tạo Đắk Lắk đã 2 lần tổ chức thanh-kiểm tra để xác minh các đơn thư khiếu nại, tố cáo và dư luận về các sai phạm xảy ra tại trường TCYDHN. Lần mới đây sau khi báo Tiền Phong đăng bài, Sở GD&ĐT đã mời cán bộ chuyên trách của Sở Y tế và PA 83 Công an tỉnh Đắk Lắk cùng kiểm tra, thống nhất yêu cầu trường TCYDHN phải xử lý dứt điểm các sai phạm về hành chính, nhân sự, yếu kém về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo trong thời hạn từ nay đến hết năm 2016. Nếu trường không đáp ứng được, tỉnh sẽ ra quyết định giải tán cơ sở đào tạo của TCYDHN tại Đắk Lắk.

MỚI - NÓNG