TS Bùi Văn Giang, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn: Khả năng thành công không nhiều
Lo ngại là của cả xã hội chứ không phải của riêng tôi, có những trường đại học nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà nước còn chưa đâu vào đâu, như khoa Y của Trường Đại học Quốc gia hiện nay vẫn còn lúng túng. Trước đây Trường Nha khoa được tách từ trường ĐH Y ra mà hiện nay không đủ nguồn lực cuối cùng lại phải nhập lại trường ĐH Y.
Về thông tin Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y - dược, tôi nghĩ là chỉ đủ về mặt hồ sơ, thủ tục hành chính, sau này chắc là sẽ bộc lộ ra những thiếu sót, khả năng thành công không nhiều. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo sau này phải làm việc thận trọng.
TS Trần Tử Bình, GĐ Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai: Lo nhất là học chay
Hiện nay họ chưa đào tạo thì chưa biết như thế nào, tuy nhiên tôi đồng quan điểm với nhiều người là việc đào tạo y - dược phải do trường chuyên ngành đào tạo, có bề dày, đầy đủ đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở thực hành. Cái yếu nhất của hệ trung cấp hiện nay là đào tạo y - dược không có thực hành, ý thức của người đi học cũng không cơ bản.
“Về Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, vừa qua có thông tin trường này đào tạo y - dược, tôi nghĩ là chỉ đủ về mặt hồ sơ, thủ tục hành chính, sau này chắc là sẽ bộc lộ ra những thiếu sót, khả năng thành công không nhiều”.
TS Bùi Văn Giang, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)
Trong thực tâm của người sử dụng lao động như chúng tôi thì chỉ muốn chọn những bác sỹ ra trường từ Đại học Y, dược sỹ ra trường của Đại học Dược Hà Nội chứ còn lại các trường khác phải cân nhắc. Bệnh viện chúng tôi không dùng nhiều các bác sỹ học tại các trường dân lập. Bài học của chúng tôi là đã từng có khoảng 40 y sỹ y học cổ truyền khi làm mô hình bán công tôi đã đưa về đây làm, nhưng sau đó phải cho đi chuyển đổi điều dưỡng, học thực hành để đào tạo lại, chọn những nội dung thiết yếu để đào tạo, thực hành sau 5 năm liền bây giờ anh em mới bắt nhịp được công việc.
Tôi nghĩ những em được học bài bản, có tay nghề, có chí hướng, có động cơ thì luôn luôn chủ động, thậm chí không vào các bệnh viện mà sẽ tìm lối đi độc lập vì cơ chế mình đang mở. Những em học yếu thì phải tìm lối vào các bệnh viện điều đó sẽ khó cho người sử dụng lao động.
Không ai được phép buông lỏng chất lượng đào tạo y - dược, bởi tính mạng bệnh nhân đang nằm trong tay các y bác sĩ. Ảnh minh họa: L.N.
TS Nguyễn Duy Ánh, GĐ bệnh viện phụ sản Hà Nội: Học 6 năm ra trường nhiều khi bằng không
Không phải là vấn đề đào tạo ở Việt Nam hay nước ngoài mà quan trọng là cơ sở đào tạo có đủ điều kiện hay không, tiêu chuẩn cơ sở đào tạo đặt ra đối với sinh viên thế nào. Yêu cầu cũng đặt ra ở đầu vào, chất lượng đầu vào không tốt thì sản phẩm đa phần sẽ không tốt, nếu đầu vào yếu thì ảnh hưởng lớn đến kết quả đào tạo. Thứ hai là người thầy và cơ sở vật chất, thứ ba là việc chí thú học của sinh viên. Có chuyện rất nhiều sinh viên vào trường điểm cao nhưng học lại kém. Tuy nhiên, đa phần thấy rằng sinh viên có năng lực ban đầu thì học tốt. Đó là 3 yếu tố cấu thành đầu ra cho tốt.
Vừa rồi tôi có nghe đầu vào của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội điểm khá thấp. Nếu đầu vào thấp thì khó có thể mong đợi các sinh viên ra trường đều tốt, nhiều khi cố gắng thì cố gắng nhưng trình độ có hạn thì rất khó vì “lực bất tòng tâm”. Về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy, phải có nhiều giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo sinh viên y khoa, phải có kinh nghiệm thực tế. Biết bác sỹ ra trường cần cái gì thì người thầy truyền đạt những thứ đó, những tiêu chí kiểm tra đầu ra chặt chẽ của người thầy sẽ đánh giá được chất lượng đào tạo.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên suy ngẫm trong việc đào tạo bác sỹ làm thế nào để bằng hoặc hơn những trường y, dược hiện có. Hiện nay bác sỹ Việt Nam được đào tạo ra so với mặt bằng thế giới cũng là một vấn đề, nhiều khi ra trường sau 6 năm học mà gần như bằng 0 chưa biết gì nên học thêm ít nhất 3 năm nữa may ra mới biết làm. Vậy nếu sinh viên vào trường này thua kém quá nhiều so với các trường có bề dày đào tạo, liệu bác sỹ ra trường sẽ yếu đến đâu?
Tôi là người trong ngành rất lo lắng về câu chuyện này, bởi nếu đội ngũ bác sỹ ra trường yếu kém thì sau này những người sử dụng như chúng tôi sẽ rất mệt mỏi.