Loạn đào tạo y dược: 27 điểm vẫn trượt, 15 điểm lại vào!

Chất lượng đầu vào của ngành y quyết định chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chất lượng đầu vào của ngành y quyết định chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nghịch lý rất lớn trong đào tạo y dược hiện nay, đó là có những trường uy tín, chất lượng tốt, điểm đầu vào cao ngất muốn mở rộng đào tạo thì không được chấp nhận, trong khi nhiều trường dân lập điểm đầu vào quá thấp, thậm chí 15 điểm vẫn được tuyển sinh ngành y. Ý kiến của những người trong cuộc về vấn đề này.

Để ĐH Y Hà Nội mở rộng hệ đào tạo, tại sao không?

PGS, TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng quản lý Đào tạo, trường ĐH Y Hà Nội:

ĐH Y Hà Nội năm 2013 có điểm chuẩn 28 điểm nếu lấy đúng chỉ tiêu 500 sinh viên đa khoa. Sau đó, được Bộ GD&ĐT bật đèn xanh cho lấy xuống 27,5  điểm và đã vượt qua chỉ tiêu cho phép. Tuy vậy, các sinh viên 27 điểm năm đó phải đứng ngoài cổng trường lên đến hàng trăm người. Trường ĐH Y Hà Nội đã đề nghị được tuyển hệ đào tạo theo nhu cầu của xã hội với mong muốn tuyển thêm từ 150-200 người đạt 27 điểm đầu vào nhưng Bộ GD&ĐT kiên quyết từ chối. Sau sự kiện này, rất nhiều ý kiến cho rằng nên để trường ĐH Y Hà Nội là nơi có cơ sở vật chất tốt, có truyền thống và chất lượng được mở rộng thêm hệ đào tạo theo yêu cầu xã hội để lấy thêm những sinh viên đạt 27 điểm vẫn trượt, còn hơn là những trường có điểm chuẩn thấp hơn nhiều vẫn được đào tạo ngành y. Ý kiến trên được nhiều người đồng tình, nhưng “phép màu” này mới chỉ được xảy ra có một lần duy nhất.

Phải siết chặt thẩm định điều kiện mở ngành 

Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Nguyên Nguyễn Văn Sơn:

Khi mở một ngành đào tạo nào đó trong ngành y thì phải xem cơ sở đào tạo có đủ điều kiện hay không, nếu đủ điều kiện thì có thể  cho phép đào tạo.

“Trường ĐH Y Hà Nội đã đề nghị được tuyển hệ đào tạo theo nhu cầu của xã hội với mong muốn tuyển   thêm   từ   150-200   người   đạt   27  điểm  đầu vào nhưng  Bộ GD&ĐT kiên quyết từ chối”.

PGS, TS Nguyễn Thị Yến Trưởng phòng quản lý Đào tạo, trường ĐH Y Hà Nội

Nếu chưa đủ thì phải hoàn thiện. Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nhưng nếu ngành đào tạo có liên quan đến chuyên ngành khác thì 2 bộ ngồi cùng với nhau  để xem xét các điều kiện mở ngành. Chẳng hạn, với ngành y tế trước khi phê duyệt nên có ý kiến của Bộ Y tế cho chắc chắn và đầy đủ hơn. Trước đây, khi ĐH Y Thái Nguyên mở mã ngành, Bộ Y tế đều có xuống kiểm tra sâu và toàn diện.

Điểm đầu vào là một yếu tố quan trọng vì chất lượng đào tạo phụ thuộc vào chất lượng đầu vào - người học phải có năng lực để tiếp thu tốt những kiến thức về y học. Ví dụ, học sinh cử tuyển có thể học y nhưng chất lượng không tốt vì “hồn cốt” chỉ có thế thôi, đào tạo khó nhưng là chủ trương của nhà nước thì phải làm để đào tạo nhân lực cho các vùng sâu vùng xa, nhưng không có nghĩa là trường nào cũng nhận học sinh cử tuyển để đào tạo ngành y.

Muốn khẳng định chất lượng đào tạo thì phải thẩm định cơ sở vật chất, đội ngũ, điểm đầu vào là bao nhiêu phải có quy định. Cũng không nên phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Vấn đề ở chỗ là phải kiểm tra các điều kiện một cách thực sự và thường xuyên.

Có thể có trường 100 người học y, chỉ có 10 người được làm bác sỹ

TS Hoàng Năng Trọng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Thái Bình:

Ở nước ngoài người học có thể học ở bất kỳ trường nào cũng được nhưng sau đó sẽ có một hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề, nên người ta có thể học luật nhưng không là luật sư hoặc học y nhưng không phải bác sĩ mà chỉ có kiến thức y học hay luật học do không được hành nghề. Trong tương lai  chúng ta nên thực hiện theo xu hướng chung này. Hiện nay, sau 6 năm học,  sinh viên tốt nghiệp trường y của ta cũng  phải trải qua 18 tháng thực hành tại cơ sở và phải qua một kỳ sát hạch mới được hành nghề.

Giả sử trường A hay trường B nào đó có đào tạo xong thì người học cũng chưa phải là bác sĩ. Tôi được biết, hiện nay 2 Bộ  Y tế và Bộ GD&ĐT đang chuẩn hóa mọi việc để việc thực hành 18 tháng cho thật hiệu quả. Nên biết đâu sau 6 năm học của những sinh viên y khoa được tuyển vào năm nay hay sang năm, khi quy định  của 2 bộ hoàn thiện hơn thì 100 người tốt nghiệp ở trường A hay trường B nào đó chỉ có 10 người làm bác sĩ sau khi sát hạch và  90 người chưa đủ điều kiện sẽ phải hoàn thiện lại?

MỚI - NÓNG