> Methanol mua bao nhiêu cũng có
Theo TS Lê Cảnh Hòa, hiện nay, việc quản lý chất lượng xăng được thực hiện dựa trên Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 6776: 2005 về chỉ tiêu chất lượng xăng pha chì. Trong số 15 chỉ tiêu bắt buộc dựa trên theo TCVN 6776: 2005, không có chỉ tiêu về hàm lượng methanol.
PGS.TS Lê Văn Hiếu, Bộ môn Công nghệ Lọc - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho hay methanol là một chất độc với môi trường và sức khỏe người nên bị cấm pha vào xăng giống như chì hay benzene. Vì thế hóa chất này không được đưa vào danh sách các chỉ tiêu kỹ thuật bắt buộc kiểm tra.
Không nằm trong chỉ tiêu bắt buộc kiểm tra, nên một mặt, khi kiểm tra chất lượng các mẫu xăng, có thể người ta bỏ qua việc xác định hàm lượng methanol. Việc pha methanol vào các mẫu xăng hay không , vì thế, không bị phát hiện.
Mặt khác, methanol là chất chứa oxy nên việc pha vào xăng sẽ làm hàm lượng oxy tăng lên. Lâu nay, các nhà khoa học ở VN dựa vào thể tích hàm lượng oxy thực tế trong xăng để biết nồng độ methanol trong xăng cao hay thấp.
Tuy nhiên theo TS Nguyễn Anh Đức, Viện phó Viện Dầu khí Quốc gia, kể cả khi kiểm tra chỉ tiêu hàm lượng oxy, xăng thông thường (chưa chứa các phụ gia Oxygenate hoặc Ethanol) có pha dưới 5% thể tích methanol vẫn đạt chuẩn.
Ngoài ra, methanol có trị số octan cao hơn xăng nên nếu chỉ kiểm tra chất lượng xăng tại các cây xăng qua chỉ tiêu trị số octan, xăng pha methanol vẫn đạt quy chuẩn Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng pha methanol trên 10% có thể gây ra hiện tượng tách lớp xăng và, vì thế, không thể pha được. TS Đức cho hay, để chống nguy cơ này, đối tượng gian lận có thể sử dụng chất chống tách pha, giúp khó phát hiện xăng pha tạp chất.
PGS Hiếu cho rằng đối với những chất độc bị cấm pha vào xăng, cơ quan quản lý nên có khuyến cáo đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu, ví dụ hàm lượng tối đa cho phép pha methanol trong xăng là bao nhiêu. Hiện VN chưa có quy định về điều này, PGS Hiếu nói.