13 thi thể được lôi ra trong đống đổ nát sau nỗ lực cứu nạn xuyên đêm suốt 20 tiếng đồng hồ. Đa số nạn nhân vốn là những nông dân ra đi từ các vùng quê nghèo trên dải đất miền Trung.
Vụ tai nạn thảm khốc này khiến chúng ta nhớ lại vụ sập giàn giáo trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội cách đây mới vài tháng (28/12/2014). Chỉ khác mức độ thiệt hại và quy mô sự cố mà thôi. Nếu như giàn giáo ở thủ đô chỉ cao 6 mét với hàng trăm tấn sắt thép và chỉ đè bẹp một chiếc taxi (4 người trong xe thoát chết), thì giàn giáo ở Formosa Hà Tĩnh cao tới 30 mét với hàng ngàn tấn sắt thép, đè chết 13 người và hàng chục người khác bị thương. Trước đó, một thanh sắt rơi xuống trên công trường đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đã cướp đi sinh mạng một người đi đường và làm 3 người khác bị thương.
Ngay trong mỗi vụ tai nạn đau thương là tình người, tình quân-dân cao cả, là trách nhiệm đến quên mình của các lực lượng cứu hộ. Và sau đó là điệp khúc “đình chỉ”, “rà soát”, “thanh tra, điều tra”, “kỷ luật”… cá nhân và tập thể sai phạm. Song những tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn cứ diễn ra trên các công trường xây dựng, vẫn cướp đi sinh mạng của những công nhân nghèo vô tội.
Rõ ràng vấn đề mất an toàn lao động đã đến mức báo động. Một phút làm bừa, làm ẩu của nhà thầu, một sự quan liêu, tắc trách của những cán bộ quản lý ở địa phương, có thể cướp đi sinh mạng của hàng chục công nhân, gây thiệt hại lớn về vật chất. Ở những vụ tai nạn kể trên, trách nhiệm trực tiếp đương nhiên thuộc về chủ thầu xây dựng và các lực lượng giám sát thi công, giám sát an toàn lao động, rồi đến chủ đầu tư. Tuy nhiên, dư luận không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động, về quy trình, quy phạm kỹ thuật công trình xây dựng. Liệu có tình trạng buông lỏng quản lý của các sở, ban ngành trên những công trường xây dựng quy mô lớn như Formosa?
Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại cả hệ thống quản lý, giám sát về an toàn lao động trên cả nước, liệu có lỗ hổng “chết người” nào cần bịt gấp?