Lò gạch vây khu dân cư

Lò gạch vây khu dân cư
TP - Người dân ở nhiều thôn thuộc xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đang bị khói của hàng trăm lò gạch, ngói thủ công bao vây.

Hai bên tỉnh lộ 305B vào xã Thanh Trù lò gạch thủ công mọc lên nhiều. Bên cạnh những ngôi nhà hai, ba tầng mới xây là những lò gạch đang nhả khói .Xe công nông, ô tô chở đất, than, gạch ầm ầm suốt ngày.

Xã Thanh Trù có 1.800 hộ, 8.400 dân, sinh sống ở 7 thôn, trong đó lò gạch, lò ngói xuất hiện ở 6 thôn. Anh Chu Văn Hiền, cán bộ phụ trách môi trường của xã Thanh Trù cho biết: “Theo thống kê năm 2010, cả xã có hơn 60 lò gạch, 130 lò ngói. Trong đó, khoảng 70% số lò gạch nằm trong khu dân cư. Lượng khói, khí thải xả ra môi trường rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Những hôm trời mưa, khói lò không bay lên cao được mà quẩn quanh dưới tầng thấp, lùa cả vào nhà dân. Nhiều người cho biết có khi đóng kín cửa, đeo khẩu trang ở trong nhà mà vẫn không tránh khỏi, các cháu nhỏ, phải đi sơ tán mỗi khi đốt lò.

Bà Nghiêm Thị Phong, y sĩ chuyên khoa nội, khoa nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nay đã về hưu, kể: Hai con bà đang học ở Hà Nội, mỗi lần về nhà lại bị ốm vì hít phải khói lò. Xung quanh nhà bà đều có lò gạch, lò ngói. Hít phải khói lò cảm thấy ngột ngạt, đắng mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu… Nhiều người dân đến mua thuốc cũng có biểu hiện tương tự. Mấy năm nay, số người chết do mắc bệnh ung thư trong khu vực ngày một tăng.

Khu vực chợ đình làng Đoài có gần chục lò gạch, ngói hoạt động. Một người dân nói: “Chúng tôi có phản ánh lên chính quyền xã nhưng vẫn chưa thấy có biện pháp giải quyết, thậm chí số lò gạch thủ công hoạt động còn tăng”.

Hoạt động lâu ngày, nhiều vỏ lò đã bị xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là với trẻ em. Người làm thuê ở các lò gạch cũng không được đảm bảo về an toàn lao động.

Theo cán bộ xã Thanh Trù, cái khó trong việc xử lý các hộ sản xuất gạch thủ công là phải chuyển nghề cho họ, nhiều hộ không còn đất để canh tác do bị thu hồi để làm sân golf, khu đô thị. Số lao động từ 30-50 tuổi dư thừa, khó xin việc làm ở các khu công nghiệp. Năm 2004, xã có tổ chức chuyển đổi nghề trồng nấm, mây tre đan nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã bỏ nghề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG