Lộ diện 'ngôi vương' mới trong ngành xuất khẩu tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Tổng cục Thống kê, sau 8 tháng đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng trưởng vượt trội đã "soán ngôi vương" xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành này vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tổng cục Thống kê vừa công bố dữ liệu thống kê về xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.Tăng trưởng của nhóm này ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Lộ diện 'ngôi vương' mới trong ngành xuất khẩu tỷ USD ảnh 1
Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng trưởng.

Theo cơ quan thống kê, trong giai đoạn từ 2011 - 2022, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân cả giai đoạn tăng 25,6%.

Đến tháng 5/2023, điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 20,5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD.

Trong 8 tháng qua, đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%). Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19.

Đặc biệt trong 8 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 36,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn chủ yếu là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Lộ diện 'ngôi vương' mới trong ngành xuất khẩu tỷ USD ảnh 2
Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu lũy kế các tháng năm 2023.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất.

Ngành này vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Các hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam, như: Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, Nhà nước cần quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trong công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

MỚI - NÓNG