Lình xình chuyện giữ các sắc phong quý ở Vĩnh Phúc

Xót xa trước các tấm sắc phong bị hỏng
Xót xa trước các tấm sắc phong bị hỏng
TP - Về thăm di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến một số sắc phong thuộc di tích bị hư hại từng ngày... Vì đâu?
Ảnh: Thanh Hoa
Ảnh: Thanh Hoa.

5 năm “nằm ngủ”... trong tủ công an thị trấn !

Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1571- 1651) đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm 1598, được triều Lê, Trịnh trọng vọng, cho giữ chức Thượng thư Bộ lại, khi mất được truy tặng đến chức Thái Tể. Nguyễn Duy Thì luôn giữ phẩm cách của một vị quan thanh liêm, thương dân.

Có lần ông đã tâu với vua “Dân là gốc của nước. Đạo trị nước chỉ là yêu dân như cha mẹ yêu con...”. Mấy trăm năm nay, đền thờ Nguyễn Duy Thì là điểm đến của du khách gần xa. Tại đây vốn có 34 bộ sắc phong cổ rất quý do các triều vua ban cho danh nhân Nguyễn Duy Thì.

Năm 1993, UBND tỉnh (lúc đó là Vĩnh Phú) ra quyết định xếp hạng số 6500 công nhận di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Nguyễn Duy Thì. Ông Nguyễn Duy Mùi - trưởng họ Nguyễn Duy, trú ở tổ dân phố Đoàn Kết - cho biết: Bao đời nay, việc coi sóc, đèn hương ngôi đền được giao cho vị trưởng họ.

Trước năm 2005, ông là người hằng năm mỗi dịp đến ngày giỗ cụ tổ Nguyễn Duy Thì lại trang trọng mở 34 bộ sắc phong như một nghi thức tâm linh đầy tự hào. Ngoài ra, mỗi khi có đoàn khách du lịch hay các nhà nghiên cứu có nhu cầu tìm hiểu, ông lại làm lễ thắp hương rồi mới cẩn trọng mở những chiếc sắc phong cổ.

Tuy nhiên, đến năm 2005, khi UBND thị trấn (lúc đó là xã) thành lập Ban quản lý di tích, theo yêu cầu của chính quyền cơ sở, ông Mùi đã bàn giao toàn bộ hiện vật của di tích, trong đó có 34 sắc phong cho UBND địa phương (Chủ tịch Nguyễn Đăng Tình là người thay mặt chính quyền nhận).

Ngày 1-3-2011, khi chúng tôi đề nghị được xem số sắc phong, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng Nguyễn Đăng Tình liền bấm máy gọi một cán bộ mang chiếc tráp đựng sắc phong từ… trụ sở công an thị trấn lên. Cẩn thận xem một số sắc phong, TS Đinh Công Vĩ (nguyên cán bộ Viện Hán Nôm), thành viên trong đoàn, nhận xét: “Đây là những sắc phong đời Lê, khoảng thế kỷ 17-18, rất quý”.

Tuy nhiên, mọi người trong đoàn chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy một số sắc phong đã bị mủn. Một số sắc phong đã mất chữ, mất câu. Cầm một sắc phong bị mủn nhiều nhất anh Nguyễn Duy Mạnh- con trai ông Mùi rưng rưng: “Khi bàn giao cho UBND xã, sắc phong này đâu có mủn như thế. Cả một bản lề bị hỏng của chiếc tráp này nữa, lúc trước đâu thế...”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng Nguyễn Đăng Tình thừa nhận, 34 sắc phong được cho vào tủ trong suốt mấy năm qua mà không hề có phương tiện bảo quản chuyên ngành như điều hòa, máy hút ẩm...

Trong khi đó, Luật Di sản Văn hóa đã quy định rất rõ: Tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ sau: 1. Bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; 2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; 3. Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại (Điều 16).

Xót xa trước các tấm sắc phong bị hỏng
Xót xa trước các tấm sắc phong bị hỏng.

“Hãy cứu lấy những di sản quý giá”!

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - một chuyên gia phong tục văn hóa - đã thốt lên như vậy. “Đề nghị các anh trao trả sắc phong cho dòng họ Nguyễn Duy để họ gìn giữ, bảo quản” - ông nói với người đứng đầu thị trấn Thanh Lãng. Ông Chủ tịch thị trấn phân trần: Do những người trong tộc họ Nguyễn Duy có mâu thuẫn, không thống nhất được người giữ sắc phong.

TS Đinh Công Vĩ cho rằng, phải thường xuyên có sự phối hợp giữa ubnd thị trấn và gia đình để bảo tồn sắc phong hữu hiệu.

Mặt khác, theo quy định của Sở VHTTDL, nếu nơi nào cảm thấy không an toàn thì có thể gửi cổ vật, sắc phong để UBND địa phương quản lý. “Cả họ có văn bản đề nghị chứ không phải chúng tôi thu giữ” - ông Tình nói. “Nếu dòng họ họp lại mà nhất trí thì tôi trả. Chúng tôi sẽ tổ chức buổi họp bàn vấn đề này”- ông Tình cam kết.

Gần đây, với tư cách trưởng họ, ông Nguyễn Duy Mùi đã có văn bản gửi cơ quan chức năng như UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Di sản văn hóa... kiến nghị một số vấn đề liên quan đến di tích, đồng thời tha thiết đề nghị được nhận lại 34 sắc phong.

Ông Mùi nói: “Chúng tôi có đủ điều kiện để gìn giữ, bảo quản. Nếu được nhận lại 34 sắc phong, theo Luật Di sản văn hóa, chúng tôi sẽ nhờ ngành văn hóa hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản”.

Nhận được đơn của ông Mùi, Cục Di sản văn hóa, Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc đã xem xét, giải quyết. Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thị Diện trong văn bản báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa số 08/QLDT đã khẳng định, thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc UBND thị trấn Thanh Lãng.

Ngày 2-3-2011, Hội đồng gia tộc Nguyễn Duy đã họp và có biên bản thống nhất đề nghị UBND thị trấn Thanh Lãng trao lại sắc phong để gìn giữ. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chính một số người trong dòng họ Nguyễn Duy tại cuộc họp trao sắc phong ở trụ sở UBND thị trấn ngày 4-3-2011 lại quay ngoắt 180 độ, không đồng ý với phương án dòng họ giữ!?

Chính vì lý do này mà UBND thị trấn lại tiếp tục chưa bàn giao sắc phong cho dòng họ! Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, ngày 15-3, UBND thị trấn Thanh Lãng đã trao lại 34 sắc phong cho trưởng họ Nguyễn Duy Mùi.

Tuy vậy, sau câu chuyện 34 sắc phong “nằm ngủ” trong trụ sở công an xã, vẫn còn đó nỗi lo về việc bảo quản, gìn giữ số sắc phong quý này, vì mọi việc hiện nằm trong tay dòng họ Nguyễn Duy.

Câu chuyện có vẻ chưa có hồi kết, và mọi việc chưa hẳn đã tốt nếu Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thị trấn Thanh Lãng không thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bảo quản số sắc phong quý này. Một câu hỏi nữa được đặt ra, không biết với những hư hại của một số sắc phong trong 5 năm qua thì rồi đây ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG