'Liều thuốc bổ' nào thu hút khách quốc tế du lịch Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thị trường du lịch Việt Nam ghi nhận tín hiệu khả quan từ thị trường khách quốc tế ngay trong 2 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các bên liên quan nên cùng tìm cách để đưa một số thị trường gửi khách về đúng vị thế xứng tầm.

Liên tiếp nhận tín hiệu tốt ngay đầu năm

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt trên 1,53 triệu lượt. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, tổng số khách đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các thị trường quen thuộc với nước ta có sự phục hồi ấn tượng. Hàn Quốc tiếp tục trở thành nước gửi khách lớn nhất với hơn 840.000 lượt, chiếm 27,7%). Tiếp theo, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ có lượng khách lần lượt đạt hơn 540.000 lượt, 198.000 lượt và 156.000 lượt.

'Liều thuốc bổ' nào thu hút khách quốc tế du lịch Việt Nam? ảnh 1
Du khách Bắc Mỹ đến Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: Trần An.

Ông Vũ Văn Tuyên - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam - cho biết: "Năm 2024, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng du lịch đột phá, cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Với những tín hiệu như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng hết tháng 5/2024, lượng khách quốc tế có thể đạt 10 triệu lượt và lên đến hơn 20 triệu lượt cho cả năm".

Theo vị giám đốc kể trên, dự báo tích cực bắt nguồn từ nhu cầu phát triển nhanh chóng. Vào mùa cao điểm năm nay các công ty lữ hành đang gặp khó trong việc tìm hướng dẫn viên nói tiếng Pháp bởi đông đảo người dân từ những quốc gia sử dụng ngôn ngữ này đã có lịch tới Việt Nam từ rất sớm. Cùng với đó, người Italy, Tây Ban Nha đang tới Việt Nam nhiều hơn ngay trong các giai đoạn thấp điểm.

Ngoài ra, Việt Nam dự báo "bùng nổ" ở một số thị trường mới như Ấn Độ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, quốc gia này tiếp tục mang đến tín hiệu lạc quan với mức tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 8 trong top 10 thị trường hàng đầu.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, bên cạnh hoạt động nới lỏng thị thực với nhiều nước của Chính phủ Việt Nam, các du khách biết đến Việt Nam nhiều hơn bởi các điểm đến trong nước liên tục được vinh danh.

'Liều thuốc bổ' nào thu hút khách quốc tế du lịch Việt Nam? ảnh 2
Nhiều điểm đến tại Việt Nam lọt top tốt nhất thế giới.

Điển hình, tại giải thưởng Traveler's Choice Awards Best of the Best của tổ chức đánh giá Tripadvisor, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và thị trấn Sa Pa (Lào Cai) lọt top 7 điểm đến tốt nhất thế giới. Thậm chí, bức tượng rồng tại công viên hồ Thủy Tiên (tỉnh Thừa Thiên Huế) dù thuộc diện bị phá hủy vẫn không khiến du khách nản lòng, nườm nượp đến check-in nhờ liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông uy tín quốc tế như đài truyền hình CNN của Mỹ.

"Liều thuốc bổ" giúp du lịch Việt giữ phong độ dài hạn

Trong tháng 2, nước ta cũng ghi nhận một số thị trường gửi khách giảm, chủ yếu từ các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản.

Tại Hội nghị hàng không quốc tế International Airline Symposium (IAS) 2024 vừa diễn ra, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - trao đổi với PV Tiền Phong: "Thị trường du lịch trong nước hiện chưa đạt được kỳ vọng về doanh thu ở Trung Quốc và Nhật Bản thông qua số lượng vé máy bay. Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hút 2 thị trường khách quan trọng này đến Việt Nam".

Theo biểu đồ nghiên cứu hàng năm của công ty theo dõi thị trường du lịch The Outbox Company mới công bố, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam thời điểm năm 2019 đạt 952.000 lượt, đứng thứ 3 thị trường inbound (du khách đến Việt Nam). Nhưng đến hết năm 2023, Nhật Bản hạ xuống vị trí thứ 5 với lượng khách còn 589.500 lượt.

'Liều thuốc bổ' nào thu hút khách quốc tế du lịch Việt Nam? ảnh 3
Biểu đồ theo dõi lượng khách đến Việt Nam trong giai đoạn năm 2016 - 2023. Ảnh: The Outbox Company.

Với tình hình trên, ông Phạm Duy Nghĩa - Tổng thư ký Hội Lữ hành Hà Nội - nhận định rằng để hấp dẫn khách đến Việt Nam nhiều hơn thì chính quyền, doanh nghiệp hàng không, đơn vị lữ hành cần đảm bảo một chính sách thống nhất về cạnh tranh. Đồng thời, làm mới các sản phẩm du lịch là điều các đơn vị kinh doanh thị trường inbound hết sức chú trọng.

Theo đại diện của Travelogy, các sản phẩm đối với du khách Nhật Bản, Trung Quốc hiện chỉ nằm ở những địa điểm và các hoạt động "truyền thống", chưa có sự thay đổi nhiều ở suốt nhiều năm vừa qua.

"Thời gian tới, công ty lữ hành cần phát triển chuỗi cung ứng để cung cấp các điểm đến mới nhằm gây tò mò cho du khách. Ví dụ, thay vì chỉ giới thiệu đi Sa Pa khi đưa khách khám phá vùng Tây Bắc, chúng ta có thể xem xét cả Mù Cang Chải, Hồ Thác Bà, Mộc Châu với các hoạt động khác biệt, độc đáo. Bên cạnh đó, việc quảng bá du lịch Việt Nam ngay tại các nước sở tại cũng cần được tổ chức chuyên nghiệp, quy củ và có thông điệp rõ ràng", đại diện Travelogy nhận định.

Đối với thị trường đông dân như Trung Quốc, một số doanh nghiệp nhận định rằng cần chia thành 2 phân khúc là bình dân và cao cấp. Ở nhóm khách hàng chi trả cao, các chuyến đi sẽ có chất lượng sang trọng, đẳng cấp hơn. Đặc biệt, du khách ở Bắc Á hiện rất yêu thích bộ môn thể thao golf nên có thể tích hợp hoạt động này trong các tour sắp tới. Trong khi đó, du khách bình dân có thể du lịch Việt Nam nhiều hơn thông qua đường bộ để cắt giảm chi phí phát sinh do di chuyển.

"Cần phải bỏ những tour du lịch 0 đồng từ Trung Quốc đến Việt Nam. Dù đây là chương trình do các doanh nghiệp từ Trung Quốc tổ chức nhưng với chất lượng dịch vụ không tốt như thực tế, hình ảnh về đất nước Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và có thể khiến lượng du khách giảm mạnh", Tổng thư ký Hội Lữ hành Hà Nội phát biểu.

'Liều thuốc bổ' nào thu hút khách quốc tế du lịch Việt Nam? ảnh 4
Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các tour du lịch 0 đồng.

Các doanh nghiệp lữ hành, hàng không đều đồng ý rằng nếu chỉ thụ động chờ việc nới lỏng thị thực để hút du khách quốc tế thì sẽ khó thành công. Quan trọng hơn cả, những đơn vị này nên có chính sách đào tạo nhân viên trong chuỗi cung ứng và hỗ trợ đơn vị ở các điểm đến nhằm tạo nên hoạt động du lịch chuyên nghiệp, khiến lữ khách đến Việt Nam tăng nhanh và có tỷ lệ quay lại cao hơn.

MỚI - NÓNG