Bệnh nhân TR. T. H (khoảng 30 tuổi, ngụ ở TP.HCM) đi công tác miền Trung dài ngày. Do thay đổi khí hậu nên anh bị cảm. Sau một chầu nhậu, anh cảm thấy mệt mỏi nên nhờ người làm nghề xoa bóp, giác hơi,cạo gió rong đến cạo gió hộ.
Người cạo gió là một thanh niên khỏe mạnh, rất nhiệt tình trong việc làm của anh ta và do yêu cầu của khách hàng nên anh ta cố sức cạo mạnh tay.
Sau khi cạo gió, anh H lúc đầu cảm giác đỡ mệt nhưng rồi sau đó choáng váng, khó thở. Anh liền được đưa vào bệnh viện địa phương sau đó chuyển về một bệnh viện tại TP.HCM. Sau mấy ngày nằm viện, sức khỏe của dần hồi phục nên anh xin xuất viện. Nhưng mấy ngày sau, tay trái của anh bỗng bị liệt dần (ảnh), không cầm nắm được. Anh tìm đến phòng mạch BS. Huỳnh Tấn Vũ để nhờ khám và chữa trị.
Qua thăm khám, bác sĩ thấy bệnh nhân được cạo gió với những vết đỏ bầm kéo từ cổ xuống hai vai. Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân đã bị liệt thần kinh quay chi phối vận động tay, do việc cạo gió quá mạnh, nhiễm trùng. Bệnh nhân có sự phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân không thực sự tuân thủ điều trị, thường bỏ dở liệu trình để đi công tác nên sự vận động cánh tay chưa hoàn toàn phục hồi.
BS. Huỳnh tấn Vũ cho biết: “Cạo gió là phương pháp điều trị không chính thống. Người ta quan niệm, khi trúng gió cần phải cạo để gió độc thoát ra cơ thể. Hiện rất nhiều người áp dụng phương pháp này mỗi khi mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi tay chân… Người cạo gió thường dùng muỗng, đồng xu… để cạo. Cạo gió có thể khiến các mao mạch bị vỡ, gây xuất huyết, nhiễm trùng. Cạo gió cũng có thể gây rách cơ, đặc biệt là gây tổn thương dây thần kinh như trường hợp ở trên”.
BS. Vũ còn lưu ý thêm: có trường hợp cạo gió còn gây nguy hiểm tính mạng, như trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết mà lại cạo gió có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
Qua trường hợp nói trên, BS. Vũ khuyên mọi người tuyệt đối không dùng phương pháp cạo gió để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe vì công hiệu của nó không được chứng minh còn tác hại của nó là có thật.