Liên tiếp gặp nạn vì hái “lộc rừng”

0:00 / 0:00
0:00
Để hái quả ươi trên cao, người dân leo lên cây rung cho ươi rụng xuống đất nên rất dễ xảy ra tai nạn
Để hái quả ươi trên cao, người dân leo lên cây rung cho ươi rụng xuống đất nên rất dễ xảy ra tai nạn
TP - Liên tiếp những vụ tai nạn dẫn đến tử vong ở Quảng Nam do đi hái ươi rừng, dù ngành chức năng liên tục khuyến cáo.

Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, địa bàn vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do ngã từ trên cây ươi xuống đất.

Nạn nhân là Hồ Minh H. (25 tuổi, trú xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn). Khoảng 14h chiều ngày 5/7, H. cùng người thân vào rừng thuộc khu vực suối Đà Lạt đi thu hái ươi. Trong lúc trèo lên cây cao để rung cho trái ươi rơi xuống, H. bị trượt chân rơi xuống đất tử vong tại chỗ.

Chỉ cách đó ít ngày, một vụ tai nạn thương tâm khác cũng xảy ra tương tự. Trưa 1/7, em Hồ Văn H. (17 tuổi, trú xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn) cũng rơi từ trên cây xuống trong lúc trèo lên cây hái ươi. Những người đi cùng khi phát hiện đưa H. đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, khoảng cách từ rừng đến cơ sở y tế khá xa nên H. tử vong sau đó.

Khoảng hơn 1 tháng nay người dân đổ xô lên các khu rừng huyện miền núi tỉnh Quảng Nam để thu hái ươi rừng. Ươi được xem là đặc sản, “lộc rừng” 4 năm cho trái một lần. Ươi được xem là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, giá thành rất cao 300 nghìn đồng/ kg.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay, do giá trị kinh tế từ ươi khá cao nên rất đông người đổ xô lên rừng để thu hái. Không chỉ xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do trèo cây hái ươi mà có trường hợp triệt hạ cả cây rừng. Riêng vụ triệt hạ cây rừng ở xảy ra tại huyện Phước Sơn, ngành chức năng đang hoàn thiện hồ sơ tiến hành khởi tố, xử lý theo quy định.

“Hiện nay, ngoài việc tuyên truyền, khuyến cáo phổ biến các quy định người dân trong việc khai thác ươi, không được chặt cây, không leo lên rung cây tránh nguy hiểm thì lực lượng chuyên trách và ban quản lý rừng phối hợp kiểm lâm đã lập các chốt kiểm soát ra vào rừng để quản lý tốt hơn”, ông Tích nói.

MỚI - NÓNG