Trước bối cảnh nước ta gia nhập TPP thì Nhà nước có biện pháp nào để giúp người nuôi cá tra đứng vững vì biết rất ít thông tin?”, một nông dân ở thành phố Cần Thơ hỏi. Ông Nguyễn Anh Khoa (Tổng cục Thủy sản) cho biết, riêng về lĩnh vực thủy sản, nước ta cơ bản được hưởng lợi từ chính sách thuế. Tuy nhiên, cũng sẽ không dễ dàng xâm nhập đối tác vì nước họ sẽ tăng cường các rào cản kỹ thuật. Ông Khoa đề nghị, nông dân sử dụng các loại thuốc hóa chất đúng quy trình, tránh dư lượng thuốc kháng sinh. Hơn nữa, trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ phổ biến thông tin cho cơ quan quản lý địa phương và người nuôi cá tra biết về TPP mà nước ta có lợi thế khi ký kết.
Tại diễn đàn, bà Lê Thị Kiều Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh chủ trương và khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đầu tư thức ăn, vốn, còn nông dân sẽ giao cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 84,2% hộ sản xuất cá tra tham gia vào chuỗi liên kết. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho nhóm Cty Hùng Cá (gồm: Cty TNHH Hùng Cá, Cty CP Vạn Ý, Cty CP Thức ăn thủy sản Hùng Cá) vay 1.407 tỷ đồng để thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra.
Nông dân Nguyễn Văn Phú ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) có 2,8 ha nuôi liên kết với Cty TNHH Hùng Vương và liên kết với Cty thức ăn Sao Mai từ năm 2010 đến nay. Ông Phú cho biết, trước đây có 1,2 ha, nuôi đơn lẻ nên gặp khó khăn về vay vốn, kỹ thuật, giá cả nhưng giờ khỏi phải lo mà lợi nhuận đảm bảo từ 500 – 1.000 đồng/kg cá thương phẩm. “Tôi chỉ cần chuẩn bị ao, con giống chất lượng, chăm sóc đúng quy trình. Ngoài ra, khi dịch bệnh thì công ty cử kỹ thuật đến hỗ trợ”, ông Phú nói. Theo các đại biểu, để ngành hàng cá tra đứng vững trong hội nhập thì vấn đề liên kết cần được quan tâm và làm quyết liệt. Đồng thời cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, diện tích thả nuôi toàn vùng là 1.959 ha, sản lượng 516.140 tấn (tăng 1,22% so cùng kỳ 2014), năng suất đạt 278 tấn/ha. Các tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi nhiều là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang và Cần Thơ, chiếm khoảng 88% vùng ĐBSCL.