Nông nghiệp lo hội nhập TPP

Chăn nuôi là lĩnh vực rất dễ bị “tổn thương”.
Chăn nuôi là lĩnh vực rất dễ bị “tổn thương”.
TP - Nông dân và doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp đang lo ngại trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam hội nhập TPP. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc cũng rất lạc quan nhận định: Đây là cơ hội đồng thời là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực này.

“Hiện có nhiều đại gia của Việt Nam đã và đang đầu tư vào nông nghiệp. Một số nước thiếu lương thực, có nguy cơ mất sức cạnh tranh cũng đang đi tìm vùng đất ngoài lãnh thổ của mình để đầu tư vào nông nghiệp và Việt Nam là một điểm đến tiềm năng của họ”, tại Diễn đàn Doanh nhân cùng nông dân hội  nhập diễn ra chiều 8/10, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết như vậy.

“Chúng ta đã có 10 năm để chuẩn bị đương đầu với thời kỳ thuế suất về 0% nhưng để có thể trụ vững trong bối cảnh hội nhập là đương đầu được với những cường quốc về chăn nuôi như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc… là một khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như giai cấp nông dân”.

Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông Lộc, TPP đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền nông nghiệp. Các hộ nông dân đơn lẻ của nước ta không thể cạnh tranh, đương đầu với các trang trại phát triển trên thế giới. Do vậy, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết thành một tổ chức vững mạnh. Nhà nước tạo môi trường, điều kiện cho nông dân phát triển nhưng doanh nhân vẫn đóng vai trò trung tâm. “Chúng ta đã có 10 năm để chuẩn bị đương đầu với thời kỳ thuế suất về 0% nhưng để có thể trụ vững trong bối cảnh hội nhập, đương đầu được với những cường quốc về chăn nuôi như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc… là một khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như giai cấp nông dân”- ông Lộc nói.

Theo ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trong chuỗi liên kết với nông dân, không có doanh nghiệp là không thành công. Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có nhiều điều cần đổi mới. “Nông dân ký kết mua bán sản phẩm với DN rồi, nhưng lúc giá cao lên, thấy ai hỏi mua thì họ cũng bán. Quan trọng là nông dân cũng phải giữ được chữ tín, trọng lợi ích của nhau thì mối liên kết mới tồn tại được”- ông Lượng nói.

Còn ông Đoàn Trọng Lý,  Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex) cho rằng, do đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nên tỷ lệ vốn vào khu vực này rất ít. Đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp chưa nổi 2%, là quá nhỏ.  Theo ông Lý, như Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp được rất nhiều kỳ vọng, nhưng cuối cùng lại không có tiền thực hiện. “Chính sách của ta độ trễ quá lớn, khi có hiệu lực, thì cũng vừa hết cơ hội kinh doanh. Nên phải đơn giản hóa để chính sách vào cuộc sống”- ông Lý nói.

Theo ông Lý, lâu nay, sản xuất nông nghiệp đi theo số lượng, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm ít, nên nhiều sản phẩm chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong nông nghiệp, có thể rất yếu ở khâu giống, công nghệ chế biến, bảo quản… Khi tham gia TPP, cơ quan quản lý cần tận dụng hàng rào kỹ thuật khéo léo, để bảo vệ hàng trong nước.

Từ góc độ của đơn vị sản xuất thuốc thú y và các vật tư nông nghiệp, ông Trần Đức Hạnh-  Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Cổ phần thuốc thú y Matphavet cho biết, DN nông nghiệp nói chung và thú y nói riêng tại Việt Nam hiện còn nhiều rào cản, đặc biệt là thủ tục hành chính còn cồng kềnh. Ông Hạnh lấy ví dụ, doanh nghiệp sản xuất cà chua, sản phẩm của họ rất nhanh hỏng và có nhiều vitamin. Tuy nhiên, nếu muốn được xuất khẩu phải qua rất nhiều các thủ tục cấp phép, làm không kịp, sản phẩm có thể bị hư hỏng. Hay, khi DN đầu tư một dây chuyền sản xuất công nghệ đạt chuẩn thế giới, một số đơn vị được quyền thanh, kiểm tra lại không có bất cứ máy móc nào để kiểm tra. Thậm chí, cán bộ thanh, kiểm tra lại không có ngoại ngữ, không thể giao tiếp với người nước ngoài, và đặc biệt là không am hiểu về lĩnh vực mà DN đầu tư, sản xuất. Thời gian thanh, kiểm tra, giải quyết vấn đề thường kéo dài, gây phiền phức cho DN.

Theo ông Hạnh, ngành chăn nuôi và thú ý gặp nhiều thách thức, khó khăn khi Việt Nam ký kết TPP. Tuy nhiên, chính quan niệm không đúng của người tiêu dùng Việt Nam đã gây khó khăn cho DN. Ông Hạnh lấy ví dụ: Con gà được nuôi tự nhiên, ăn rau (có thể có thuốc trừ sâu), hay ăn các thức ăn tự nhiên (không được kiểm soát) thì được cho là gà sạch; trong khi con gà nuôi ăn cám công nghiệp có kiểm dịch rõ ràng thì lại cho rằng gà không sạch, lại không có giá trị bằng con gà nuôi tự nhiên. “Điều này là rất vô lý. Tôi cho rằng quan niệm về sạch, bẩn của người tiêu dùng Việt Nam đang có sự nhầm lẫn”- ông Hạnh nói.

MỚI - NÓNG