Ngã rẽ TPP

Ngã rẽ TPP
TP - Hiệp định TPP, sân chơi chung với các doanh nghiệp của 12 nước thành viên trong mọi lĩnh vực, kết thúc phần đàm phán với một thỏa thuận giữ bí mật về tiến trình thương lượng chi tiết các điều luật của TPP.

Phần đàm phán khép lại, chương mới về thực thi TPP chính thức mở ra. Mừng vui là tâm trạng chung nhưng âu lo việc cơ hội đi kèm rủi ro cũng là điều nhiều doanh nghiệp và cả các chuyên gia trăn trở. Với nền kinh tế còn yếu như đất nước chúng ta, những “ngã rẽ” nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam, lực lượng chiếm đa số trong nền kinh tế là thực tế cần quan tâm.

Người lạc quan như TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư đánh giá: Ở nhiều nước, những đơn vị sáng tạo nhất thuộc về DNNVV. Vì vậy, khi hội nhập, Việt Nam có rất nhiều ngành có lợi thế phát triển, không chỉ là những ngành xuất khẩu. 

Đó là các ngành bán lẻ, du lịch, giải trí, dịch vụ hậu cần, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ cho mạng chuỗi sản xuất…Cùng đó có nhiều ngành mà chưa chắc DN lớn đã “ăn” được DN nhỏ. Như lĩnh vực IT là ví dụ.

Với việc hội nhập, sẽ có nhiều DN lớn nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà DNNVV mất đi cơ hội. Vì khi “chơi” với những DN lớn này, anh sẽ có sự đảm bảo rất lớn. Ví dụ như nếu anh có hợp đồng với Samsung, ngân hàng sẽ không có lý do gì để bắt DN thế chấp, gây khó dễ. 

Trong những thách thức sắp tới DNNVV cần chủ động có sự kết nối và tham gia hội nhập để tạo ra sức mạnh riêng cho mình. Doanh nghiệp có thể đi theo hướng trở thành một khâu trong chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ, hoặc một phân đoạn trong lĩnh vực nào đó.

Cơ hội đi kèm thách thức là điều đã được khẳng định. Nếu Việt Nam tiếp tục có cải cách tốt, kinh tế ổn định thì sẽ có một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Nhưng để làm điều này cần chú ý tới khối DNNVV. 

Không phải ngẫu nhiên người ta đang bàn tới câu chuyện Việt Nam có thể trở thành một trạm trung chuyển sản xuất mới, có thể được lựa chọn để thay thế Trung Quốc. 

Điều này xuất phát từ những động lực mới của nền kinh tế, cụ thể là từ những DNNVV. Thực tế cho thấy, sẽ không có thị trường đúng nghĩa nếu không có sự phát triển, cạnh tranh trên thị trường mà nhóm này đóng vai trò chất “xúc tác” lớn.

Để “chiến đấu” với hội nhập, cần xác định tuân thủ với các cam kết. Cụ thể, Chính phủ phải thay đổi cách ứng xử cho phù hợp với cam kết, người ta gọi đó là chi phí để tương thích với cam kết. 

Cũng cần xác định ở một số lĩnh vực, ngành bị chịu tác động tiêu cực, sẽ có DN phải thu hẹp, phải dừng sản xuất vì không có đủ sức cạnh tranh. 

Với nhóm DN này, Chính phủ cần hỗ trợ giúp DN ở những nhóm yếu thế hơn để nâng cao sức cạnh tranh của DN, đồng nghĩa nâng cao sức khỏe của nền kinh tế.

MỚI - NÓNG