San sát nhà sàn trăm tuổi
Thẳm Bua là một danh thắng của vùng đất Mường Chiêng Ngam ngày xưa (nay thuộc xã Châu Tiến, huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An). Từ thượng nguồn sông Hiếu nhìn thẳng lên, xa xa là những nếp nhà sàn san sát. Càng đến gần càng thấy rõ những cột nhà to, đẹp mà bà con bản Hoa Tiến đục dựng từ hàng trăm năm trước. Một người dân địa phương cho biết, bản Hoa Tiến được coi là làng Thái cổ, hiện có hàng trăm nhà sàn hàng trăm năm tuổi. Không ít mái nhà đã che chở 5-6 thế hệ sinh ra, lớn lên rồi trở về cát bụi. Nhà sàn của làng Thái cổ có nhiều nét riêng: rộng, dài, đẹp, cột to, hình nét trơn tru, được làm bằng nhiều loại gỗ quý.
Cụ Sầm Văn Duẩn tự hào: “Nhà sàn cổ ở làng chúng tôi là nét đặc trưng nhất, hiếm nơi nào còn lưu giữ được như ở đây”. Cụ Duẩn nói rằng, không ít lần các “đầu nậu”, “đại gia” miền xuôi vào tận từng gia đình đặt vấn đề mua nhà sàn của bà con với giá bạc tỷ, nhưng chưa một ai bán. Dẫu cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ bán đi tài sản quý giá của ông cha. Để kiểm chứng, chúng tôi vào vai “đầu nậu” đi hỏi mua nhà sàn đem về xuôi. Đến bất kỳ nhà nào trong bản, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Để làm nhà sàn, bà con vào rừng tìm những cây gỗ tốt nhất, to nhất đem về biến thành cột nhà. Cụ Duẩn giải thích, cột nhà to, chắc chôn xuống đất sâu mới có thể chống chọi thời tiết khắc nghiệt vùng cao, nhất là trong mùa mưa khi tố lốc thường xuyên xuất hiện. Mục sở thị nhiều nhà sàn cổ trong bản Hoa Tiến, chúng tôi thấy hầu hết đều được làm bằng gỗ lim, sến, táu, đinh hương, lát hoa. Ông Lữ Đình Thi, một người con Thẳm Bua, cho biết, nhiều nhà sàn được làm bằng gỗ táu hàng trăm năm trước, kết cấu hoàn toàn theo kiểu nhà cổ, đến giờ vẫn rất chắc chắn.
Thổ cẩm- Từ bản làng ra thế giới
Ngoài nhà sàn cổ, chum, chóe, bát, đĩa, cồng, chiêng... cũng được người dân bản Hoa Tiến gìn giữ bao đời. Và còn một thứ khiến ai nấy đều say mê chú ý, đó là sắc màu thổ cẩm của làng Thái cổ. Nằm trong thăm thẳm núi rừng, mấy ai biết đồng bào Thái nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài dệt thổ cẩm. Nhà nhà dệt thổ cẩm, người người dệt thổ cẩm. Chị Lữ Thị Hồng, một phụ nữ Thái, cho hay, hầu hết con trai trong bản lớn lên thì lên nương, lên rẫy, hoặc vào rừng kiếm kế sinh nhai; con gái thì được truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Vì thế, trong khi nghề dệt thổ cẩm đã mai một ở một số vùng quê khác, nghề này lại ngày càng phát triển tại bản Hoa Tiến. Đi dọc đường trong bản, nhìn vào chân các nhà sàn sẽ thấy hầu như nhà nào cũng có khung cửi dệt vải và chị em đang đua nhau kéo sợi.
Bà Sầm Thị Loan, một người dân Hoa Tiến, chia sẻ, đã là con gái Thái của vùng núi này thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm, thêu thùa và rồi tự tay mình làm nên những chiếc váy, bộ chăn, ga, gối đệm, hay những chiếc khăn Piêu... Từ xưa, thổ cẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của chị em đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Điều thú vị là tính cách, tuổi tác của phụ nữ Thái thường được thể hiện rõ trên sản phẩm thổ cẩm của họ. “Những cô gái Thái đang yêu không thể giấu nổi tình cảm của mình nên dùng nhiều gam màu sáng. Những phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư”, bà Loan tâm sự.
Ban đầu, các gia đình sản xuất manh mún. Sau đó, chị em trong bản tự hợp sức lại để lập ra Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Hoa Tiến, với hàng trăm thành viên. Năm 2009, nơi đây được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Một cán bộ Phòng Công Thương huyện Quỳ Châu cho biết, thổ cẩm của người Thái ở bản Hoa Tiến có nhiều hoa văn nền nã, tinh tế, thực sự chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế. Những chiếc khăn Piêu truyền thống hoặc kết hợp với nét hiện đại, những chiếc túi, giỏ xách, ba lô xinh xắn được dệt bằng chất liệu thổ cẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước như Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Ý...
Kỳ thú hang Bua
Dù năm nay tại hang Bua không diễn ra phần hội mà chỉ có phần lễ, nhưng từ sau Rằm tháng Giêng, bà con kéo nhau về đây rất đông. Hòa theo dòng người, chúng tôi có mặt tại hang Bua để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của hang động do tạo hóa ban tặng từ thời xa xưa. Một số cán bộ văn hóa huyện Quỳ Châu giải thích, hang Bua (tiếng Thái gọi là Thẳm Bua) ngày xưa thuộc tổng Hữu Đạo, xã Hữu Đạo, phủ Quỳ Châu; vùng đất này còn được gọi là Mường Chiêng Ngam (tiếng Thái nghĩa là vùng bằng phẳng và đẹp, phía trước có đầm sen quanh năm xanh tốt; cây sen, hoa sen trong tiếng Thái là Cỏ Bua, Bọc Bua). Bản gần hang Bua gọi là bản Bua và di tích hang Bua được gọi tên từ đó.
Một góc hang Bua với các hình thù kỳ thú
Bên chum rượu cần, ông Sầm Văn Phi, người được coi là có chữ nghĩa trong vùng, kể lại sự tích hang Bua với bao thạch nhũ có dáng hình kỳ thú. Thời xa xưa, một hôm trời bỗng dưng tối mịt, mưa to, gió lớn khiến bản mường hoảng loạn. Bỗng đâu nước lụt trần gian, cát dưới sông đảo lộn lên trời. Nàng công chúa và người dân Mường Chiêng Ngam vội vào hang trú ẩn. Mọi người đánh cồng chiêng, nhảy múa để tỉnh táo, ai ngủ gật sẽ hóa đá. Nhưng cuối cùng, nàng công chúa và bao dân bản hóa thành đá cùng với bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa, chậu nước, ruộng lớn, ruộng nhỏ. Có ông già thổi sáo cũng hóa đá. Trong hang còn có suối tiên với dòng nước trong vắt, mát lạnh chảy ra từ kẽ đá.
Ở hai cửa hang có nhiều khối đá giống hóa thạch động vật (tê giác, hươu, nai, trâu, bò, lợn rừng…). Đặc biệt, gần đây, người dân địa phương nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của người Việt cổ thời kỳ Đồ đá. Hiện nay, trong hang động còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú thể hiện những huyền thoại đặc sắc như thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần Nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh, chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và nàng Ni. Thuở xưa, trong vùng có nàng Ni xinh đẹp, xuất thân giàu sang, quyền quý. Da nàng trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao trên trời. Mỗi lần nàng cất tiếng hát nhuôn, hát xuối, ngay cả chim, sóc cũng lặng yên để nghe. Bao nhiêu trai làng trên, bản dưới con nhà giàu đều đem lòng yêu mến, nhưng nàng chỉ yêu một chàng trai nghèo, hiền lành, khỏe mạnh nơi cuối bản. Một ngày nọ, cha cô gái sai chàng trai nghèo vào hang Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản mường. Chàng trai đi vào lòng hang, cứ đi, đi mãi mà không trở về. Nàng Ni ở nhà đợi không thấy người yêu quay lại, bèn đi sâu vào hang để tìm. Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, men theo những bậc đá, nàng leo lên đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng Ni ngồi khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho đến khi nước mắt cạn kiệt và nàng hóa thành đá. Phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua sau này được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni).
Theo nhiều tài liệu, mùa xuân năm 1937, trong chuyến kinh lý xứ Nghệ, nhà vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu và đoàn tùy tùng có dịp dừng chân ở vùng đất Thẳm Bua tham dự lễ hội với bà con nơi này. Năm 1997, hang Bua được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh.
Chính vì những nét kỳ thú như vậy, mỗi độ xuân về, người dân vùng quê này lại kéo nhau về hang Bua trẩy hội. Bà Lang Thị Hồng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết, lễ hội hang Bua mang đậm bản sắc của đồng bào Thái, với nhiều sinh hoạt văn hóa miền sơn cước như: chơi trò ném còn, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp, thi bắn nỏ, thi hát các làn điệu dân ca (nhuôn, xuối, lăm, khắp), thi người đẹp hang Bua, trình diễn trang phục truyền thống, thi uống rượu cần, đẩy gậy, kéo co, đu quay, thi dệt thổ cẩm, thi viết chữ Thái… Đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương có dịp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng trong vùng như: hang Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa, cụm thác Tạt Oọc Ái, Tạt Bái…
Không ít lần các “đầu nậu”, “đại gia” miền xuôi vào tận từng gia đình hỏi mua nhà sàn với giá bạc tỷ, nhưng chưa một ai bán. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ bán đi tài sản quý giá của ông cha.