Tây Nguyên đón Tết sạch bụi đường
Chưa ở đâu, cái sự vượt nắng, thắng mưa trong thi công lại quan trọng như Tây Nguyên. Dự án đường HCM qua Tây Nguyên và Bình Phước (liền kề với Tây Nguyên) trải dài 553 km đang thi công toàn tuyến. Từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, Tây Nguyên mưa không dứt, làm công tác thi công có phần ngưng trệ. Từ giữa tháng 10 lại đây, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường cũng là lúc mùa khô Tây Nguyên trở lại, các nhà thầu huy động tổng lực để thi công. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, dự án phải hoàn thành trước mùa mưa năm 2015 nên đây là mùa khô cuối cùng của dự án.
Tính đến tháng 1/2015, toàn tuyến cơ bản đã xong nền đường, đang thi công đồng loạt lớp cấp phối đá dăm và thảm nhựa. Bê tông nhựa đã thảm được 347/553km; trong đó, 190km hoàn thành toàn bộ mặt đường. Đến nay, toàn bộ các dự án thành phần tại Tây Nguyên đều vượt tiến độ. Trong đó, có những đơn vị bứt phá mạnh như Tổng Cty 789 (Bộ Quốc phòng) đạt 124% tiến độ; Cty Băng Dương đạt 144% tiến độ; Cty 471 đạt 149%. Đặc biệt, Tập đoàn Sơn Hải (Đắk Nông) đã thảm xong 50% và cam kết sẽ là một trong những đơn vị thảm xong toàn bộ trước Tết Âm lịch. Thậm chí nhà thầu này đã cắm biển cam kết bảo hành dự án 5 năm (theo quy định chỉ 2 năm).
Các dự án tại Bình Phước vẫn giữ được phong độ tốt. Đoạn Cây Chanh – Cầu 38 (qua huyện Bù Đăng, Bình Phước) đạt 106% tiến độ. Trong đó, Cty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk hoàn thành nên đường để bàn giao cho đơn vị thảm bê tông nhựa. Cty 185 và Cty Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn cũng sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng trong tháng 1/2015. Đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành (Bình Phước) đạt đến 126% tiến độ. Đây là cung đoạn có nhiều nhà thầu vượt tiến độ ở mức cao như Cty Đồng Phú vượt hơn gấp đôi tiến độ (214%); Cty Lam Cường đạt 151% tiến độ. Đặc biệt, Cty Đồng Phú còn chuyển bê tông nhựa từ Đồng Xoài lên “ứng cứu” cho dự án Cây Chanh – Cầu 38.
Tranh thủ trời tạnh ráo, nhiều nhà thầu thi công không nghỉ. “Tất cả các gói thầu đều được triển khai đồng loạt. Những ngày thời tiết tốt, làm cả ban đêm”, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng GĐ Cty Ðức Long - Gia Lai, một nhà thầu từng bị “lụt” tiến độ tuyên bố.
Ông Lâm Văn Hoàng – Tổng GĐ Ban QLDA đường HCM cho biết, Tết Nguyên đán tới sẽ thảm xong bê tông nhựa tối thiểu 390 km (chiếm khoảng 70%), đặc biệt là các khu vực đông dân cư để phục vụ bà con đi lại, đón Tết. Đây là điều vui mừng nhất với đồng bào Tây Nguyên vì từ nhiều năm nay, khi tuyến đường xuống cấp trước đây và trong thời gian đầu triển khai dự án phải chịu cảnh đường lầy, bụi bẩn. Ban QLDA cũng cam kết thực hiện đúng thời hạn Bộ GTVT đặt ra, hoàn thành toàn bộ mặt đường trước 30/6/2015, về đích trước hạn Quốc hội đặt ra 1,5 năm.
Các “binh pháp” đặc biệt
Đường HCM qua Tây Nguyên và Bình Phước dài 553 km nhưng chỉ duy nhất Ban QLDA đường HCM đảm nhận (trong khi đó, QL 1A dài hơn 1.000 km có đến 10 Ban QLDA) nên việc kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn. Ngoài việc Bộ GTVT thường xuyên kiểm soát, đôn đốc, Ban QLDA đường HCM còn áp dụng các biện pháp mạnh tay và sáng tạo.
Dự án này từng chậm tiến độ nên gần đây, kỷ luật đối với các nhà thầu và nhà đầu tư BOT là vấn đề trọng yếu. Đặc biệt, khi lãnh đạo Bộ GTVT không khoan nhượng với các nhà thầu yếu, Ban QLDA đường HCM cũng không còn ngần ngại với việc này. Tại dự án, nhà thầu mạnh thường xuyên được phép “đánh lấn” vào phần việc được giao của nhà thầu yếu, vỡ tiến độ. Biện pháp đánh thẳng vào quyền lợi nhà thầu được Ban HCM gọi là “binh pháp” “hoa thơm lấn cỏ dại” này làm thay đổi nhận thức, tạo khí thế thi đua lành mạnh giữa các nhà thầu, đặc biệt là nhà đầu tư BOT.
Cứng rắn không mang lại hiệu quả nếu để các nhà thầu tự “bơi” giữa thời tiết khắc nghiệt ở Tây Nguyên. Có lẽ, việc “chuẩn bị lương khô” nảy sinh từ thực tiễn và triển khai bài bản nhất tại dự án này. Mùa mưa, Ban QLDA chỉ đạo các nhà thầu tập kết vật liệu tại công trường, đúc sẵn cấu kiện bê tông và kết quả này cũng được dùng để kiểm điểm, theo dõi tiến độ của các nhà thầu.
Nhu cầu đá cho dự án khổng lồ nhưng ở Tây Nguyên, nguồn đá khan hiếm. Để khắc phục, Ban QLDA nhóm họp với các nhà cung cấp vật liệu, nhà thầu để cam kết về sản xuất, mua bán, ứng kinh phí rồi đưa ra biểu đồ cung cấp đá theo từng tháng. Từ đó, các nhà cung cấp vật liệu mạnh dạn đầu tư dây chuyền, mở rộng sản xuất. Cảnh nhà thầu “tự tung tự tác” mua “nháo nhào” để thi công, dẫn đến đội giá thành, đá kém chất lượng nhờ đó cũng chấm dứt. Nhận thấy cách làm này hiệu quả, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo áp dụng cho dự án QL 1A. Có đợt, nhiều mỏ đá Tây Nguyên hết hạn giấy phép, lãnh đạo Ban phải báo cáo Bộ GTVT, xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường và đề nghị Chính phủ đặc cách cho gia hạn để có đá thi công. Chính nhờ Ban QLDA xắn tay vào, đá được tập kết cơ bản đủ, tạo đà cho dự án bứt phá về tiến độ vào mùa khô.
Ý thức việc chất lượng dự án phải đặt lên hàng đầu nên ngoài các biện pháp kiểm soát theo quy định, Ban QLDA thành lập Tổ chuyên gia tư vấn chất lượng độc lập (gọi là “tổ đặc nhiệm 141”). Tổ gồm các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nước và Cu Ba, được Ban QLDA thuê, có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng và báo cáo, tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo Ban QLDA. Theo đó, tổ được phép “sục sạo” khắp các mỏ vật liệu, phòng thí nghiệm, trạm trộn bê tông nhựa, công trường thi công, kể cả các hoạt động của GĐ Ban Điều hành. Khi phát hiện sai sót, tổ có quyền nhắc nhở, “tiền trảm hậu tấu” với lãnh đạo Ban QLDA để chỉ đạo kịp thời. Nhiệm vụ thứ hai của tổ là “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giúp các nhà thầu, tư vấn giám sát khắc phục các tồn tại kịp thời. Tổng GĐ Lâm Văn Hoàng cho biết, việc tổ công tác này hoạt động độc lập, có thể kiểm tra chéo giữa các chủ thể, tạo chuyển biến tốt về chất lượng công trình. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng mới đây kiểm tra đánh giá chất lượng dự án cơ bản đạt yêu cầu. Đến nay, dự án chưa xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Tổ công tác đặc biệt là giải pháp quan trọng để kiểm soát tốt chất lượng dự án đường HCM.
Nhờ áp dụng các giải pháp tổng thể nêu trên nên trong đợt kiểm tra dự án vào đầu tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường hài lòng về tiến độ, chất lượng của dự án. Thứ trưởng yêu cầu các nhà thầu thi công xuyên Tết và đưa ra lời hứa hấp dẫn: “Nếu đến Tết, nhà thầu nào thảm nhựa lớp 1 được 100% sẽ được Bộ GTVT và chủ đầu tư khen thưởng ngay tại công trường”. Ban QLDA đường HCM cũng kiến nghị, trước Tết, nhà thầu nào thảm xong bê tông nhựa lớp 1 được tặng bằng khen của Bộ GTVT, thảm xong toàn bộ mặt đường được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Sớm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh
Đường HCM khởi công năm 2000; đến năm 2007 hoàn thành đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350km. Từ cuối năm 2007, dự án tiếp tục triển khai; phía Bắc từ Cao Bằng đến Hà Nội, phía Nam từ Kon Tum đến Cà Mau với chiều dài khoảng 1.393km (theo Nghị quyết 66/2013/QH13). Đến nay, dự án triển khai thi công 1.035/1.393km (74%), hoàn thành 355km. Trong đó, năm 2014 hoàn thành 135km, năm 2015 hoàn thành khoảng 414km, còn lại 267km hoàn thành vào năm 2016 – 2017.
Đến năm 2017, đường HCM còn 358km chưa triển khai. Bộ GTVT, Ban QLDA đường HCM đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương để có thể triển khai sớm như: Rà soát, tối ưu hóa tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án khu vực Tây Nguyên và một số dự án khác (với phương châm không thay đổi quy mô & hiệu quả đầu tư) nhằm tiết kiệm được một phần vốn dư để đầu tư các dự án chưa triển khai; đặc biệt là địa bàn Bắc Cạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang. Nếu được chấp thuận, các dự án này dự kiến sẽ khởi công năm 2015, hoàn thành 2017. Ngoài ra, Bộ GTVT và Ban QLDA đường HCM sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa một số đoạn như Cam Lộ - La Sơn; Đoan Hùng – Chợ Bến. Nếu các đề xuất trên được chấp thuận, việc nối thông toàn tuyến đường HCM sẽ sớm hơn yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội từ 1 đến 2 năm.