Chuyện lạ trên đường Hồ Chí Minh

Bản đồ giao thông các tỉnh phía Bắc; Đường HCM nối giữa Bắc Kạn và Tuyên Quang màu xanh; hướng tuyến dự kiến của Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới màu đỏ
Bản đồ giao thông các tỉnh phía Bắc; Đường HCM nối giữa Bắc Kạn và Tuyên Quang màu xanh; hướng tuyến dự kiến của Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới màu đỏ
TP - Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Bắc Kạn và nối thông các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang đang chuẩn bị triển khai. Câu chuyện địa phương chắt chiu, nâng niu từng mét đường cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của của dự án này với đồng bào vùng khó…

Đưa “chợ” thành thị xã

GĐ Sở GTVT Bắc Kạn, ông Lăng Văn Hoàn kể lại, vào giữa tháng 4 vừa qua, Ban quản lý dự án (QLDA) đường HCM có cuộc làm việc với tỉnh tại Thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới - Bắc Kạn). Tại cuộc họp, Ban HCM trình bày phương án quy hoạch chi tiết đoạn tuyến nối QL3 với QL2 của Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (Tedi).

Dù quy hoạch được Chính phủ phê duyệt xác định điểm đầu trên QL3 thuộc khu vực Chợ Mới nhưng do bị núi che chắn, Tedi đã dự kiến dời điểm đầu xuống xã Yên Ninh (thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên), cách thị trấn Chợ Mới gần 1 km. 

Thấy tư vấn vẽ “lệch” địa chỉ được phê duyệt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, tân Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (vừa được luân chuyển) phản ứng. Ông đề nghị Ban HCM và Tư vấn nghiên cứu đưa điểm đầu về đúng vùng được phê duyệt là Chợ Mới và dịch lên phía Khu công nghiệp Thanh Bình (cũng nằm trong huyện Chợ Mới, cách thị trấn 3-5 km).

“Với Thái Nguyên, nút giao đó có thể không có ý nghĩa nhiều nhưng với Bắc Kạn, đó là một cơ hội hiếm hoi” - ông Hiệp nói. Cơ hội hiếm hoi mà ông Hiệp đề cập là Chợ Mới sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối của đường HCM, QL3, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới; kết nối Bắc Kạn với các tỉnh khu vực như Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang...; từng bước đưa thị trấn Chợ Mới thành một thị xã trong tương lai; tạo cơ hội phát triển cho khu công nghiệp Thanh Bình - khu công nghiệp duy nhất của tỉnh. Ngoài ra, với việc điều chỉnh này, Nhà nước sẽ không phải đầu tư thêm tuyến tránh Chợ Mới trong tương lai.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lý Thái Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Bắc Kạn hiện có nguồn thu thấp nhất cả nước (khoảng 420 tỷ đồng/năm); nguồn thu từ công nghiệp đang trông chờ chủ yếu vào khu công nghiệp Thanh Bình.

“Nếu đường HCM đi về hướng khu công nghiệp này để nối thông sang Thái Nguyên, Tuyên Quang, qua khu di tích lịch sử ATK; cây đa Tân Trào và kết nối với tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (cũng sẽ tụ về đây), Thanh Bình sẽ đứng trước vận hội đón được các nhà đầu tư lớn” - ông Hải nói.

Chuyện ở huyện không thị trấn

Ngân Sơn là một huyện thuộc diện nghèo khó nhất tỉnh Bắc Kạn. Huyện này có một địa danh là thị trấn Nà Pặc nằm trên đỉnh Đèo Gió, được hình thành từ thời Pháp thuộc. Tuy gọi là thị trấn nhưng Nà Pặc không phải là huyện lỵ của Ngân Sơn, chỉ tương đương với cấp xã; cách gọi thị trấn chỉ là vì người ta không muốn xóa đi tên cũ. Huyện lỵ của Ngân Sơn hiện nay được quy hoạch tại xã Vân Tùng, một xã chưa đủ các điều kiện về hạ tầng - xã hội để được gọi là thị trấn.

Chuyện lạ trên đường Hồ Chí Minh ảnh 1

Địa điểm dự kiến xây dựng đường Hồ Chí Minh từ Bắc Kạn đi Tuyên Quang (thuộc huyện Chợ Mới - Bắc Kạn)

Đường HCM qua Ngân Sơn đi trùng với QL3 không tạo thêm nhiều động lực phát triển cho địa bàn. Chính vì vậy, trong quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi qua xã Vân Tùng, đường HCM vòng ra phía ngoài xã Vân Tùng như một vòng cung.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, việc hình thành nên tuyến vòng cung này giúp cho Vân Tùng phá được thế độc đạo của QL3, đi vào những khu vực khó khăn, tạo ra động lực phát triển cho một vùng và hạn chế xe cơ giới đi liên tỉnh vào trung tâm thị trấn, nhằm nâng cao ATGT và vệ sinh môi trường.

Để giúp Ngân Sơn sớm có thị trấn, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đang đề nghị Bộ GTVT xây dựng một con đường nhánh nối giữa đường HCM và QL 3 xuyên qua xã Vân Tùng. “Thực tế ở Vân Tùng chúng tôi thấy rằng, ý nghĩa của đường HCM không chỉ là trục đường chính; chính những đường nhánh, đường xương cá mới mang lại những thay đổi lớn cho cuộc sống cho bà con trong khu vực.

Đây cũng là chủ trương mà Quốc hội và Chính phủ đã nhìn thấy khi quy hoạch cả mạng lưới đường nhánh bên cạnh trục đường chính trong dự án đường HCM ” - ông Hiệp nói.

Trả lời Tiền Phong, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng GĐ Ban QLDA đường HCM cho biết, sau khi lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn có ý kiến về quy hoạch, Ban đã giao cho tư vấn Tedi khảo sát để có cơ sở báo cáo Bộ GTVT xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Về nguồn vốn đầu tư, hiện vốn trái phiếu Chính phủ cấp cho việc xây dựng đường HCM tại Tây Nguyên qua rà soát điều chỉnh lại qui mô và kiểm định đánh giá để sử dụng lại các cầu cũ mà không xây dựng mới như dự kiến ban đầu nên đã dôi dư khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Ban sẽ báo cáo Bộ GTVT để xin ý kiến của các cơ quan chức năng triển khai sớm các dự án đường HCM qua khu vực qua Bắc Kạn nối với Thái Nguyên, khu di tích lịch sử ATK; cây đa Tân Trào về Tuyên Quang và nối thông sang Quốc lộ 2 (qua cầu Bình Ca) đi các tỉnh lân cận vào thời gian sớm nhất, đảm bảo hoàn thành sớm hơn khoảng 2 năm so với kế hoạch mà Quốc hội giao (hoàn thành vào năm 2018).

Từ điểm đầu tại Chợ Mới, đường HCM kết nối với các di tích lịch sử quan trọng nhất của khu Việt Bắc trước đây (như An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên và di tích lịch sử Tân Trào - Tuyên Quang). Vì thế, không chỉ có giá trị kinh tế, giao thương, tuyến đường này còn như một gạch nối giữa các giá trị lịch sử quan trọng nhất trong thời kỳ đầu của Cách mạng.

Khi Cách mạng miền Nam còn nhiều khó khăn, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định mở đường chiến lược với tên gọi Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh để chi viện cho miền Nam. Từ đó, con trở thành kỳ tích của Việt Nam trong thế kỷ 20, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khi chiến tranh kết thúc, trước nhu cầu phát triển, Chính phủ quyết định xây dựng thêm một tuyến đường dọc đất nước thứ 2 (sau QL1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc - Nam. Sau thời gian nghiên cứu, tuyến đường được đặt tên chính thức là Hồ Chí Minh. Ngày 11/8/1999, Bộ GTVT thành lập Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư dự án. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư đường HCM. Ngày 29/11/2013, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh một số nội dung, giải pháp để tiếp tục đầu tư đường HCM. Theo Nghị quyết này, đến 2020, phải nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau); sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn cao tốc. Hình thức đầu tư dự án cũng được đa dạng hóa, bằng vốn ngân sách (trái phiếu Chỉnh phủ) và phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến đường HCM qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km; trong đó tuyến chính dài 2.499; tuyến nhánh phía Tây dài 684 km.

Bảo An

MỚI - NÓNG