Lệch lạc

Lệch lạc
Thầy giáo 23 tuổi, tát vào mặt nam sinh lớp 11, vừa đánh vừa “mày tao” trước hàng chục cặp mắt học trò và đỉnh điểm là màn ẩu đả lộn sòng, nghĩa là lúc đó “thầy trò bằng nhau tất”. Những hình ảnh này được tung lên mạng, lập tức thu hút sự quan tâm của xã hội, vượt qua sự tò mò hay hiếu kỳ thông thường.

Sự việc được nói là xảy ra ngay trước Tết ít bữa.

Chúng ta phản đối hành vi hai học sinh ở Bình Định khi tấn công thầy giáo. Chúng ta ai cũng hiểu lẽ đương nhiên là trò phải kính trọng thầy cô dạy mình nên người.

Nhưng nếu nhìn từ góc độ học sinh và rộng hơn là góc độ con người với nhau, liệu có ai đáng được tôn trọng nếu chính họ không tôn trọng người khác, thậm chí còn nhục mạ bằng lời nói, xâm phạm thân thể bằng những cái tát?

Cũng phải nói thêm rằng, chuyện đánh đập, bạo hành học sinh kia chẳng phải bây giờ mới có. Đã có không ít vụ thầy đánh trò, thầy gạ tình, lạm dụng tình dục và nhiều trường hợp thầy cô cư xử không đúng mực, là những hình ảnh xấu ăn sâu vào đầu óc học sinh.

Câu chuyện trên còn cho thấy dường như có sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giáo viên về vai trò của người thầy. Đó chính là sự thiếu tôn trọng học trò, thiếu tôn trọng người đi học.

Tư duy này đẻ ra suy nghĩ “thầy giáo không bao giờ sai”, đẻ ra kiểu giáo dục một chiều thầy đọc trò ghi, những bài văn mẫu, là những điểm 9, điểm 10 cho những học trò học vẹt nhưng ra đời chưa từng biết thế nào là tư duy độc lập, thế nào là sáng tạo.

Vì thế, việc thầy đánh trò, trò đánh lại thầy là hệ quả tất yếu của những lệch lạc kể trên. Cải cách giáo dục, có lẽ nên bắt đầu từ việc điều chỉnh những lệch lạc đó.

MỚI - NÓNG