Lễ phục Việt Nam bế tắc?

Một trong số những mẫu thiết kế gửi đến cuộc thi
Một trong số những mẫu thiết kế gửi đến cuộc thi
TP - Mịt mờ, bế tắc... dường như đang là những gì được nhìn thấy ở cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước. Sau khá nhiều vòng thi trong gần một năm qua, hết mở rộng đến thu hẹp vẫn chưa tìm được mẫu thuyết phục. Tuần tới, cuộc tuyển chọn mẫu lễ phục sẽ được tiếp tục. Đây là hy vọng cuối cùng. Nếu vẫn không chọn được mẫu nào, “bài toán” tìm kiếm bộ mẫu lễ phục quốc gia coi như phá sản.

Khó như...tìm lễ phục

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) chia sẻ, tìm một bộ lễ phục mang tính chất quốc gia là một bài toán quá khó. Cách đây cỡ hai chục năm, ngay từ khi ông còn là một chuyên viên, bài toán này đã được đặt ra nhưng rồi cũng không có lời giải. Hai chục năm sau, câu chuyện cũ lại loanh quanh lặp lại.

Tưởng như trong điều kiện mới, với nhiều tiềm năng mới, cuộc tuyển chọn mẫu lễ phục sẽ suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, bàn đã “nát nước”, một lá thư cũng đã được đích thân Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gửi tới đội ngũ nhà thiết kế..., nhưng cho đến thời điểm này, sau gần một năm chính thức tái khởi động thì cuộc thi tuyển chọn mẫu lễ phục Nhà nước xem ra vẫn tiếp tục rơi vào trạng thái mịt mờ.

Hy vọng, rồi thất vọng. Kết quả sau nhiều vòng thi khiến các nhà chuyên môn tiếp tục đặt dấu hỏi về vấn đề năng lực của đội ngũ nhà thiết kế Việt. Gần 300 mẫu thiết kế thu được sau vòng thi đầu không đủ để tạo nên một cái gật đầu miễn cưỡng từ hội đồng giám khảo. Phép thử thứ hai được tiếp tục, BTC quyết định chuyển hướng đặt hàng trực tiếp các nhà thiết kế “có số có má” của làng thời trang trong nước, nhưng cũng không có gì khả quan hơn. 

Việc thiết kế mẫu lễ phục cực chẳng đã phải chuyển hướng bằng việc tiếp tục mời một số nhà thiết kế tạm xem là “có trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ” để xây dựng ý tưởng. 

“Các nhà thiết kế nổi danh trong nước được chúng tôi “nhắm” tới với nhiều kỳ vọng, cho biết họ sẽ cùng làm việc theo nhóm, chung sức để cùng sáng tạo một bộ mẫu lễ phục hội tụ đủ các tiêu chí cần thiết. Thế nhưng, kết quả vẫn là con số 0...”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho hay.

Ấy vậy, con số 0 tròn trĩnh vẫn chưa đủ khiến BTC cuộc thi cảm thấy ngán ngẩm bằng rất kiểu “đặt điều kiện” tréo ngoe của nhóm các nhà thiết kế được xem là tên tuổi. Nhóm 6 nhà thiết kế được đặt nhiều kỳ vọng nhất yêu cầu Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phải có văn bản xác nhận chỉ có họ mới đủ tư cách tham gia thiết kế mẫu lễ phục Nhà nước mà thôi. 

“Là một cuộc thi mở, không ai có thể đặt điều kiện như vậy. Bởi mục đích cuối cùng là tuyển chọn cho được bộ mẫu đủ tiêu chí trở thành mẫu lễ phục nhà nước, chứ không phải căn cứ vào tên tuổi của các nhà thiết kế. Nếu vậy, quá bằng họ “làm khó” cơ quan quản lý...”, ông Vi Kiến Thành bức xúc.

Vì vậy, lại đổi phương án. Cục Mỹ thuật soạn thảo một công văn cảm ơn tới các nhà thiết kế đã tham gia cuộc tuyển chọn và tuyên bố khép lại “vòng đặt hàng”. Việc thiết kế mẫu lễ phục cực chẳng đã phải chuyển hướng bằng việc tiếp tục mời một số nhà thiết kế tạm xem là “có trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ” để xây dựng ý tưởng. Dù rằng các nhà thiết kế này không hẳn là những cái tên xuất sắc nhưng như những người trong cuộc bộc bạch, mong rằng với lòng nhiệt tình và trách nhiệm, họ sẽ giúp vớt vát được những kỳ vọng sau cùng.

Loanh quanh lại về...xuất phát điểm

Có thông tin, sau nhiều bế tắc, cuộc tuyển chọn mẫu lễ phục sẽ tiếp tục với đề bài tập trung hơn: chỉ tìm mẫu áo lễ phục nam.Mẫu lễ phục nữ sẽ “ chốt” luôn với áo dài truyền thống, “đáp án” vốn đã sớm được nhìn thấy từ ngay trước khi cuộc tuyển chọn bắt đầu. 

Lễ phục Việt Nam bế tắc? ảnh 1

Bộ lễ phục được Việt Nam đưa ra nhân đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006

Họa sĩ Đoàn Thị Tình từng chia sẻ, áo dài nữ là một tác phẩm văn hóa Việt Nam, ngoài vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, đơn giản về cấu trúc thì còn ẩn tàng ý nghĩa dạy dỗ về "đạo làm người" của tiền nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào công nhận bộ lễ phục này. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương trước đây cũng đề xuất chọn lễ phục nữ theo hướng phát triển từ bộ áo dài truyền thống. Theo ông, các mẫu thiết kế phải chú trọng tinh thần nền nã, sang trọng, kín đáo, những yếu tố vốn làm nên tính ưu việt, đem lại sức sống vượt thời gian của áo dài.

Mẫu thiết kế áo lễ phục nam trong tuần tới cũng sẽ được gửi để Hội đồng nghệ thuật thẩm định, đánh giá. BTC cuộc thi cũng hé lộ, nếu sau lần tiếp tục cố gắng này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, có thể cũng phải tính đến phương án tuyên bố “phá sản”. 

Còn lại, vấn đề rắc rối đã được đoán định từ trước chính là mẫu lễ phục nam. Loay hoay cả năm trời cuộc thi lại quay về mốc khởi điểm. “Nguyên nhân chỉ đơn giản là vì... chúng ta có cả một đội ngũ nhà thiết kế hùng hậu nhưng hình như, họ chỉ “giỏi” làm các mẫu tung tẩy trên các sàn diễn, mẫu đi chơi, dạ hội..., chứ các mẫu mang tính ứng dụng với tiêu chí cụ thể như lễ phục thì lại “ngoài tầm”? Bằng chứng là đấy, qua nhiều vòng thi vẫn chưa có nổi một mẫu để hội đồng nghệ thuật có thể tạm... gật đầu”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết.

Góp ý cho BTC, nhà sử học Dương Trung Quốc, có lẽ vì quá thất vọng, đã từng đưa ra ý kiến: hay là thuê nhà thiết kế nước ngoài? Ở trong nước, tài năng chỉ tàng tàng đến vậy, không hơn!

Tuy nhiên, “không ai có thể hiểu rõ bản sắc văn hóa dân tộc bằng chính các nhà thiết kế trong nước” vẫn là cái lý để BTC cuộc thi tiếp tục kéo dài câu chuyện. 

NTK Xuân Thu, một trong những cái tên tiếp tục đồng hành vì “có tinh thần trách nhiệm” chia sẻ, chị sẽ tham gia đến cùng với trách nhiệm và tâm huyết của một người làm nghề, một công dân Việt Nam.

Do “đề bài" chung chung?

Còn ở bên lề, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, liệu “lỗi” có phải duy nhất chỉ ở “tầm” của đội ngũ thiết kế? Nó còn nằm ở “đề bài”, ở những tiêu chí gợi ý còn chung chung, mơ hồ . Về vấn đề này, họa sĩ Trần Khánh Chương từng chia sẻ, ông đã ngồi ghế Hội đồng xét chọn lễ phục nhiều lần, từ nhiều năm trước và kết quả là không chọn được mẫu nào để sử dụng. Lý do là định hướng cho việc sáng tác và sử dụng trong thực tế đời sống chưa rõ ràng. Bởi thế, theo họa sĩ, điều quan trọng nhất vẫn là xác định rõ đề bài cho thiết kế lễ phục, nếu không muốn con đường phía trước luôn... dài thăm thẳm. 

Cũng có ý kiến chuyên môn khác cho rằng, cần phải thay đổi tư duy trong cuộc hành trình gian nan này. Thay vì đau đầu, tốn kém tiền bạc, thời gian cho một bộ lễ phục có nguy cơ “không thành hiện thực”, chúng ta nên nhìn sang các nước sử dụng những mẫu quần áo quen thuộc làm lễ phục. Ở gợi ý này, việc chọn áo dài nữ có thể được xem là thuyết phục.

MỚI - NÓNG