Lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi Dạ Lê: Dựa trên căn cứ nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có văn bản gửi UBND thành phố Huế đề nghị xác minh việc dựng tượng, phù điêu hai nhà vua Thái Đức, Quang Trung tại Miếu Đôi làng Dạ Lê (phường Thủy Vân, TP Huế), cũng như chuẩn bị tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung mà chưa có căn cứ xác thực.
Lễ giỗ vua Quang Trung tại Miếu Đôi Dạ Lê: Dựa trên căn cứ nào? ảnh 1
Miếu Đôi làng Dạ Lê (nay là tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân, thành phố Huế)

Miếu Đôi thờ ai?

Liên quan đến ngôi Miếu Đôi làng Dạ Lê (còn gọi là Dạ Lê Chánh, nay là tổ dân phố Dạ Lê), UBND phường Thủy Vân cũng vừa có văn bản yêu cầu Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa (NC&PTDSVH) Huế dừng tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung tại đây.

Trước đó, vào ngày 7/9, UBND phường Thủy Vân nhận văn bản của Hội NC&PTDSVH Huế do Chủ tịch Hội là ông Nguyễn Đắc Xuân ký, mời tham dự lễ giỗ, thắp hương cho Hoàng đế Quang Trung vào ngày 13/9 (29/7 âm lịch) tại Miếu Đôi. Ngay sau khi nhận giấy mời, UBND phường Thủy Vân nêu ý kiến đề nghị Hội NC&PTDSVH Huế, tổ dân phố Dạ Lê và trưởng làng Dạ Lê ngừng hoạt động tổ chức lễ giỗ tại Miếu Đôi cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Lâu nay, câu chuyện Miếu Đôi thờ ai là điều mà nhiều người dân Dạ Lê luôn mong mỏi cần được các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn làm sáng tỏ, giải đáp. Miếu Đôi gồm hai ngôi miếu, nằm cách nhau khoảng hơn 2 mét. Trên bệ thờ của hai miếu có bát nhang nhưng không có bài vị và không có bất kỳ ghi chú nào trên vách hậu. Các vị cao niên làng Dạ Lê kể rằng, trong làng có đình và nhiều đền, miếu. Trong khi các ngôi đền, miếu khác của làng đều có bài vị, văn sớ cúng tế thì tại ngôi Miếu Đôi lại trống trơn. Trải qua bốn, năm đời, nhiều bậc cao niên không rõ là Miếu Đôi được lập vào năm nào, thờ ai. Đây là điều rất lạ thường đối với các công trình đền, miếu ở làng xã.

Theo những dấu tích bằng chữ Hán được ghi khắc trên một trụ tiêu ở bên trong Miếu Đôi, công trình từng được trùng tu vào năm 1912 dưới thời vua Duy Tân. Còn lại gần như không có bất cứ thông tin gì về Miếu Đôi trong các văn sớ của làng. Vì lẽ đó, mỗi dịp lễ Tết, ngày rằm, dân làng đến dâng hương tại Miếu Đôi nhưng không biết khấn vái như thế nào cho phù hợp.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Thanh Tùng, Phó Tổng thư ký Thường trực Hội NC&PTDSVH Huế, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhiều người ở Huế đã truyền đời câu chuyện sau chính biến thất thủ Kinh đô năm 1885, có một nhân vật trong triều đã ôm hai chiếc vò đi về hướng đông nam Kinh thành Huế. Cuối năm 2022, các bậc cao niên trong làng Dạ Lê đã kể lại nhiều câu chuyện về sự xuất hiện khác thường của Miếu Đôi và đặt ra nghi vấn, liệu đây có phải là nơi thờ hai vò xương sọ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và vua Quang Trung Nguyễn Huệ thuộc triều Tây Sơn? Từ những nghi vấn đó, các bậc cao niên làng Dạ Lê đã mời Hội NC&PTDSVH Huế cùng các nhà nghiên cứu quan tâm, làm rõ.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các bô lão ở làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) kể lại rằng, hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá (hay Phan Công Hiền) từng làm quan trong triều Nguyễn đã cẩn thận “giải phóng” chiếc vò sọ rồi đem để vào trong một cái thạp đồng, mang về chôn ở làng Thanh Thủy Chánh, gần Miếu Đôi. Hai ông này vì mang tội đưa sọ đầu vua Quang Trung về chôn, bị phát giác nên bị vua Đồng Khánh ra lệnh xử tử. Con cháu không được lót chữ Công mà đổi thành Phan Văn vì sợ tru di gia tộc.

Liên quan vấn đề Miếu Đôi làng Dạ Lê thờ ai, trong tháng 6 vừa qua, Hội NC&PTDSVH Huế đã chủ trì tọa đàm và đưa ra nhận định rằng, niềm tin của dân làng về Miếu Đôi là nơi thờ hai vò xương sọ anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là có lý. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cần phải thận trọng và tiếp tục nghiên cứu để có đủ chứng cứ xác định rõ ràng về sự liên quan giữa Miếu Đôi làng Dạ Lê và các vua nhà Tây Sơn.

Tại văn bản ngày 11/9 gửi UBND thành phố Huế, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị: “Theo thông tin phản ánh, việc Hội NC&PTDSVH Huế dựng tượng, phù điêu hai vua Thái Đức, Quang Trung tại Miếu Đôi và đang chuẩn bị tổ chức lễ giỗ vua Quang Trung là chưa có căn cứ xác thực, tạo dư luận xã hội. Sở đề nghị UBND thành phố Huế chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh sự việc nêu trên; báo cáo phương án xử lý (nếu có)”.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) cho biết, qua khảo sát các lớp vật liệu xây dựng thì khả năng Miếu Đôi ở làng Dạ Lê đã được dựng lập từ thế kỷ 17 (tức dưới thời các chúa Nguyễn), thờ các vị phúc thần. Do lũ lụt, những dấu vết liên quan bị cuốn trôi, nên đời sau không biết Miếu Đôi thờ ai. Có thể, chuyện đưa hai vò sọ của vua Tây Sơn về vùng này là có, nhưng Miếu Đôi không phải được lập ra để thờ hai ông.

Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiền (nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Quốc học Huế), khi dẫn lại thông tin về ngày kỵ giỗ của hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá trong gia phả họ Phan đã cho rằng, hai ông này mất vào các mốc ngày tháng khác nhau, nên nhận định họ đã bị xử tử do che giấu, chôn cất vò sọ vua Tây Sơn là chưa xác đáng.

Cần bằng chứng khoa học đáng tin cậy

Theo Sở VHTT Thừa Thiên-Huế, qua theo dõi tọa đàm ngày 24/6/2023 do Hội NC&PTDSVH Huế chủ trì liên quan Miếu Đôi làng Dạ Lê và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, Sở này cho rằng cần có các bằng chứng khoa học đáng tin cậy để có thể đưa ra kết luận về sự liên quan giữa Miếu Đôi và các vua nhà Tây Sơn. Do đó, Sở VHTT đề nghị Hội NC&PTDSVH Huế phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các nhà nghiên cứu tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tìm kiếm, đưa ra các chứng cứ khoa học về vấn đề nêu trên, tạo được sự đồng thuận trong giới học thuật và dư luận.

Sở VHTT cũng cho rằng, việc tưởng niệm, thờ cúng hai vua nhà Tây Sơn tại Miếu Đôi cần có sự thống nhất của chính quyền địa phương và ban đại diện làng Dạ Lê. Hiện nay, vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, việc tổ chức các nghi lễ truyền thống cúng tế trong năm cần theo lệ cũ thực hiện; tránh việc tạo dựng, phát sinh yếu tố mới không đúng quy định và gây bức xúc trong dư luận.

MỚI - NÓNG