Lâu lắm mới có một phim Việt 'rực rỡ' như 'Đêm tối rực rỡ'

0:00 / 0:00
0:00
Lâu lắm mới có một phim Việt 'rực rỡ' như 'Đêm tối rực rỡ'
TPO - Khi đọc quảng cáo nói thật là không muốn đi xem Đêm tối rực rỡ lắm. Đã đám ma lại còn bi kịch, bạo hành gia đình… Ngoài ngại đề tài nặng nề, tôi cũng sợ nội dung phim lại sa vào bình thường thậm chí tầm thường. Gia đình nào chả có đám tang, chả có chuyện muốn giấu người ngoài…

Chưa kể đây là phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ, dẫu cho ở Việt Nam gần 20 năm thì liệu Aaron Toronto có thể thấu hiểu được văn hóa và đặc biệt là tâm lý người Việt để đưa vào phim.

BỐI RỐI KHÔNG PHẢI VÌ TANG GIA…

Đi xem thì đúng là nặng nề thật. Để khiến cho câu chuyện khác thường, đáng kể thì các tình tiết có được cường điệu lên chút. Nhưng quan trọng là phim tạo được không khí rất cuốn, bối cảnh tự nhiên và đặc biệt tâm lý nhân vật rất Việt Nam.

Trong 2 phó đạo diễn người Việt của phim, có Nhã Uyên- chính là vợ của Aaron. Cô vừa đóng vai chính (Xuân Thanh) vừa cùng chồng viết kịch bản. Bụng bầu của Xuân Thanh chính là bầu thật. Hai tuần sau khi phim đóng máy, Nhã Uyên cũng lâm bồn.

Lâu lắm mới có một phim Việt 'rực rỡ' như 'Đêm tối rực rỡ' ảnh 1

Đạo diễn Aaron Carter:"Tôi coi mình là người Việt Nam rồi chứ không phải một người nước ngoài đến Việt Nam làm phim nữa. Nghệ sĩ ở đâu thì sẽ kể câu chuyện ở đó. Tôi tuy sinh ra ở Mỹ, nhưng bây giờ bảo tôi kể một câu chuyện ở Mỹ thì tôi không làm được vì không có va chạm, không có cảm xúc. Tôi nghĩ con người dù đến từ đâu cũng có khả năng thấu hiểu lẫn nhau, đó cũng là vai trò của người nghệ sĩ, làm sao mở được tâm hồn của những người này để người khác có thể nhìn vào. Ví dụ người miền Bắc khi nhìn vào văn hóa miền Nam có nhiều thứ không hiểu, thấy lạ. Mục tiêu của nghệ thuật là kết nối người với người".

Phim kiểu bi kịch tình huống một bối cảnh như vậy diễn xuất rất quan trọng và đây cũng là điểm mạnh của phim có thể nói đạt đẳng cấp quốc tế. Đó là diễn xuất của dàn diễn viên đạt và đồng đều (vẫn là tiêu chuẩn xa vời với nhiều phim Việt). Chưa kể phân vai cũng rất hợp.

Việc chọn bối cảnh đám tang kiểu miền Nam chắc chắn đắc địa nhất là khi đem phim ra nước ngoài. Những yếu tố kết hợp văn hóa truyền thống và đương đại đa dạng dễ gây ngạc nhiên, thu hút ngay cả người Bắc chứ đừng nói khán giả quốc tế. Đám tang ở miền quê giống một chương trình tạp kỹ để chiêu đãi bà con chòm xóm. Khách đến ngoài thắp hương còn để giải trí. Càng xôm trò càng chứng tỏ gia chủ có hiếu và quan trọng hơn là có điều kiện. Một đám tang rình rang, sang chảnh nhiều màu sắc cũng sẽ dễ đem đến những khuôn hình đẹp ám ảnh.

Bản thân đám tang cũng đầy tính hình thức có thể che đậy đằng sau một hiện thực không liên quan. Vì thế nó cũng là một phép ẩn dụ cho một gia đình chỉ lo đối ngoại. Trong khi bên trong đầy những mâu thuẫn, tổn thương cũ còn chưa lành đã thêm những mối nguy mới chực chờ đổ xuống… Và đám tang chính là giọt nước cuối cùng tràn ly và thậm chí có thể làm vỡ ly.

Người chết chỉ là cái cớ và được nhắc tới qua loa trong suốt bộ phim. Câu chuyện thuộc về những người sống. Khi ông nội qua đời, điều mà anh cả quan tâm đầu tiên là gia tài sẽ được chia. Em gái thứ hai Xuân Thanh đang mong được quyền nuôi con sau khi vừa ly dị với chồng đại gia. Khả năng có được quyền này khá mong manh vì cô vừa nghèo vừa mắc chứng trầm cảm. Em gái út Kim Bảo dù sao cũng kịp “hoàn lương” từ con nghiện đã mở được tiệm xăm. Như vậy anh hai có vẻ không có khúc mắc gì với gia đình lắm ngoài lòng tham, chẳng ngại ăn gian ngay với người thân.

Có lẽ nếu không có những dịp lớn như ông nội nằm xuống thì gia đình này cũng chẳng có nhu cầu tụ họp. Vì với những đứa con này, thoát khỏi ông bố bạo lực và bà mẹ lắm điều là một thành công trong đời rồi. Tuy nhiên người ta không tự nhiên mà phục thiện. Ông Toàn do nắm trong tay quyền lực tối cao nên vẫn tiếp tục lầm lạc dẫn đến tình trạng khuynh gia bại sản.

Và những đứa con về đây tưởng được nhận phần chia gia tài thì lại là phần nợ phải trả thay cho bố. Và nếu không có vài tỉ xì ra ngay khi tàn đêm, tang gia sẽ có thêm đám tang mới. Và thế là trong khi các kép tuồng say sưa “khóc mướn”, nhóm đồng tính hết mình múa lửa… thì tang gia đang bấn loạn chứ không chỉ là bối rối. Diễn biến ngày càng được đẩy lên cao trào. Đầu tiên là cảnh báo bằng lời, rồi những chiêu trò khủng bố ngày càng tăng dần để gia đình biết rằng chủ nợ không dọa suông.

Nếu gia đình thương và hiểu nhau, tai nạn này cũng không quá khó để vượt qua. Nhưng nếu vậy chắc cũng đã không nảy nòi một ông bố kiểu như thế. Ông Toàn không chỉ dây với xã hội đen mà còn có quá khứ hành hạ vợ con. Quá khứ này không ngừng sống động trong Xuân Thanh. Và cô có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Nhân vật này vì thế đóng vai trò cầm trịch, kiểu át chủ bài có thể xoay chuyển tình thế khi đạo diễn cần.

Câu chuyện mang hơi hướng cổ điển của bi kịch Vua Lear, khi “ông vua” lâm nguy mới biết đứa con nào sẵn sàng hy sinh. Ngoài ra cũng là minh họa sống động cho câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Khán giả không biết gì nhiều về ông nội, nhưng có thể lờ mờ đoán được ông cũng có trách nhiệm không nhỏ trong sự bê bối của con cháu.

“BẮT BỆNH” GIA ĐÌNH VIỆT

Quan hệ gia đình một chiều kiểu Việt Nam được khai thác triệt để. Đó là môi trường chấp nhận bạo lực như một phương pháp giáo dục. Bố không những được phép “thương con” bằng roi vọt mà còn có quyền “dạy vợ”. Các thành viên trong gia đình mặc nhiên thừa nhận “vương quyền” của ông bố.

Các vấn đề gia đình giải quyết trong nội bộ. Các loại lỗi lầm thường được xí xóa chứ không phân định đúng sai rành rọt. Vì thế rất mất thời gian và tất nhiên rất nhiều đau đớn để từ đêm tối đến được kết cục rực rỡ.

Lâu lắm mới có một phim Việt 'rực rỡ' như 'Đêm tối rực rỡ' ảnh 2

Đám tang cung cấp cho phim những khuôn hình đầy màu sắc

Chính sự nắm vững kiểu tâm lý của người Việt và logic vận hành của gia đình Việt nên phim có độ chân thực thuyết phục người xem bất kể không thiếu tình tiết cường điệu. Tất nhiên sự cường điệu này vẫn trong khuôn khổ chấp nhận được của thể loại.

Dù sao cũng có những chi tiết hơi vô lý ví như Xuân Thanh đang trong tình cảnh nhạy cảm như vậy, anh chồng (dù vừa ly hôn) có lẽ sẽ phải quan tâm hơn đến đứa con đang sắp đến ngày sinh hơn. Nhưng biết sao được vì anh ta cũng đã quen sử dụng bạo lực với người nhà. Tóm lại là hình ảnh đàn ông Việt Nam trong phim hiện lên khá xấu xí hoặc vô tích sự. Những nam giới gia trưởng như vậy có phổ biến trong thực tế chăng, khán giả có thể tự chiêm nghiệm.

Đêm tối rực rỡ đáng xem bên cạnh chất lượng chuyên môn còn phải kể đến tính phù hợp của đề tài với khán giả vào lúc này. Khi các giá trị gia đình đang được xem xét và vận động để thích ứng với một mức phát triển mới.

Mặt khác, đề tài gia đình, đời thường dù có vẻ vừa tầm với phim Việt (không cần bối cảnh xa hoa, kỹ xảo tốn kém), nhất là phim độc lập nhưng lại ít ai làm nghiêm túc và làm tới. Sự thành công của Bố già một phần cũng vì đề tài. Và tất nhiên khai thác theo kiểu hài hước vẫn sẽ dễ tiếp cận khán giả hơn bi kịch gay cấn. Mô tả “khó xem” đối với Đêm tối rực rỡ có thể được cắt nghĩa theo kiểu đạo diễn: “Không phải là thấy chán, mà là mình thấy quá hồi hộp, quá ngạt thở. Không muốn coi nhưng phải coi”.

Thực tế cho thấy khán giả Việt cũng không ngại “vượt khó” dẫn đến thành tích thu về 21 tỉ sau 3 tuần cho phim. Và chắc Đêm tối rực rỡ sẽ tiếp tục gặt hái khi phát hành trực tuyến vì kiểu phim “gãi đúng chỗ ngứa” này dễ sẽ được khán giả tìm xem dài dài. Ngoài ra phim còn cam kết dành 3% doanh thu góp vào Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).