Lật chiêu tiếp tay chuyển giá của các Cty kiểm toán

Sau dệt may, da giày, các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ bị điều tra chuyển giá. Ảnh: Như Ý
Sau dệt may, da giày, các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ bị điều tra chuyển giá. Ảnh: Như Ý
TP - Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tiếp sau khi làm sáng tỏ hành vi chuyển giá của doanh nghiệp dệt may, thời gian tới, ngành thuế sẽ điều tra hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI cũng như lật tẩy các chiêu tiếp tay trốn thuế của các tập đoàn kiểm toán quốc tế.

Chuyển giá để thôn tính đối tác

Chuyển giá là vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận do gây thiệt hại cho ngân sách cũng như các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Công tác chống chuyển giá hiện nay ra sao thưa ông?

Trong số 2.110 DN bị thanh, kiểm tra trong năm 2013, phần lớn đều phải chấp nhận giảm lỗ, đồng tình để thanh tra ấn định số tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt. Hiện tại, ngành thuế đã chọn được một danh sách các DN có khả năng chuyển giá cao nhất để tiếp tục làm rõ.

Mới đây nhất, chúng tôi đã hoàn tất việc thanh tra chống chuyển giá đối với 20 DN FDI tại 17 tỉnh, thành trên cả nước (Đồng Nai, TPHCM, Long An, Bình Dương, Phú Thọ…). Thanh tra thuế đã buộc DN điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 3.747 tỷ đồng, phải giảm lỗ 759 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng đề nghị truy thu thuế của 20 DN FDI tổng cộng 230 tỷ đồng và xử phạt 12 tỷ đồng. 

Lật chiêu tiếp tay chuyển giá của các Cty kiểm toán ảnh 1

Đáng chú ý, nhiều DN trong nhóm bị truy thu kỳ này đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi đầu tư nhưng báo cáo lỗ triền miên và tập trung chủ yếu trong khối DN ngành dệt may, da giày. 

Kết quả thanh tra cho thấy, hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp liên kết đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp liên kết đã kê khai thua lỗ liên tục, lỗ vượt cả số vốn đầu tư ban đầu, không phát sinh số thuế TNDN phải nộp khiến ngân sách thất thu.

Cá biệt, một số chủ đầu tư ở nước ngoài của DN liên kết đã lợi dụng việc nắm giữ quyền kiểm soát DN (nhờ nắm giữ tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao) để định giá mua, bán sản phẩm của DN liên kết không theo giá thị trường dẫn đến doanh nghiệp liên kết liên tục bị thua lỗ nhằm thôn tính các cổ đông nội địa Việt Nam.

Vậy, trong thời gian tới ngành thuế sẽ sờ đến các DN nào?

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp trong ngành ôtô. Đây là bước tiếp theo sau khi làm rõ việc 20 DN FDI chủ yếu trong ngành da giày, dệt may (đã nói ở trên) thực hiện hành vi chuyển giá.

Một số DN FDI ngành ôtô có dấu hiệu chuyển giá ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Thực tế cho thấy, do  phía Việt Nam chưa đủ năng lực để thẩm định giá các loại thiết bị công nghệ hiện đại nên thường bị đối tác nước ngoài định giá cao hơn giá trị thực tế. Vì vậy, việc chuyển giá trong ngành sản xuất ôtô tại Việt Nam xuất hiện dưới hình thức chuyển giao công nghệ độc quyền, biến hóa, khai khống chi phí góp vốn đầu tư, máy móc thiết bị, giá bộ linh kiện...

Cty kiểm toán tiếp tay chuyển giá

Khi mạnh tay chống chuyển giá, cơ quan thuế thường bị tố ngược, cho rằng gây khó khăn cho DN,  ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Ông đánh giá thế nào?

Ý kiến quan ngại rằng nếu Việt Nam áp dụng những biện pháp quá cứng rắn và mạnh mẽ trong công tác chống chuyển giá thì sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư  là không đúng. Thực tế trong năm 2012 và 2013 (giai đoạn Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá) thì dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng và tốc độ tăng cao hơn những năm trước đây. 

Năm 2012 tăng 4,7% so với năm 2011; năm 2013 tăng 43,6% so với năm 2011. Qua đó cho thấy, việc kiểm soát hoạt động chuyển giá tác động rất tốt đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính thực hiện đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Vậy, cơ quan thuế có gặp những khó khăn gì trong công tác chống chuyển giá?

Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện ngành thuế chưa có bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá chưa được trao quyền điều tra nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Ngoài ra, công tác quản lý giá chuyển nhượng thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và sự phản kháng mạnh mẽ của các DN có hành vi chuyển giá và các Cty tư vấn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ.

Cùng đó, thời hạn thanh tra chuyển giá bị khống chế bởi quy định chung tại Luật Thanh tra nên thường rất ngắn. Theo thông lệ quốc tế, để hoàn thành một vụ việc thanh tra, điều tra về giá chuyển nhượng thường kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Tại Việt Nam, thời hạn thanh tra chuyển giá được quy định chung trong Luật Thanh tra (thanh tra chuyên ngành) từ 30 đến 45 ngày/vụ việc là quá ngắn. 

Đặc biệt, trong thực tế, các doanh nghiệp chuyển giá thường có sự giúp sức của một số công ty kiểm toán, đặc biệt là một số công ty kiểm toán lớn.

Cảm ơn ông.

Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, ngành ôtô và linh kiện có tỷ lệ chuyển giá cao lên đến 51%, xếp thứ 3 sau tài chính bảo hiểm và dệt may. Có 20% DN FDI thừa nhận chuyển giá. Xác suất coi Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu để thực hiện chuyển giá là 13%-20%. Có 37% DN FDI đến từ nước có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.