Người chết, người bị thương, bị bắt
Theo tài liệu của Tiền Phong, xã Khâu Vai vừa có báo cáo về kết quả xác minh vụ việc 22 công dân xã Khâu Vai đi lao động tự do ở Trung Quốc bị chết, bị thương do tai nạn sạt lở đất, lũ quét và bị bắt do xuất cảnh trái phép. Lãnh đạo xã đã cử các đoàn công tác xác minh thực tế tại các thôn, các hộ gia đình gặp nạn trên địa bàn và có đối chứng của những người đi lao động ở Trung Quốc quay về. Kết quả xác minh được 17/22 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp nghi không đúng tên theo danh sách, 15 trường hợp cơ bản chính xác. Cụ thể, có hai trường hợp bị chết cùng một gia đình là Vừ Mí Mình và Vừ Mí Nu (thôn Trù Lủng Dưới); Vừ Mí Sùng (thôn Trù Lủng Dưới); Sùng Mí Mui (thôn Lũng Lầu), nghi tên ở nhà là Sủng Mí Mua; Sùng Mí Pà (thôn Lũng Lầu), nghi tên ở nhà là Sủng Mí Chứ. Hai trường hợp này được cho là đi lao động cùng ngày với các trường hợp nói trên.
Ngoài danh sách trên, quá trình xác minh còn phát hiện hai trường hợp là Vừ Mí Chả và Vừ Mí Po (cùng trú thôn Trù Lủng Dưới). Gia đình khai là Chả đã chết cùng ngày với những người ở trên. Lãnh đạo xã Khâu Vai nghi trường hợp này là Sùng Mí Sá ở trong danh sách người chết, vì trên địa bàn 12 thôn của xã không có tên Sùng Mí Sá. Trường hợp của Vừ Mí Po, theo xác minh là anh em ruột của Vừ Mí Mình và Vừ Mí Nu bị chết. Trong danh sách ghi Po bị bắt nhưng gia đình đã khai là chết. “Như vậy, theo xác minh là 7 trường hợp bị chết, 5 ở thôn Trù Lủng Dưới, 2 ở thôn Lũng Lầu. Trong đó có 5 trường hợp trùng với danh sách và gia đình cung cấp, còn 2 trường hợp không có tên trong danh sách nhưng gia đình báo là đã chết”, báo cáo khẳng định. Ngoài ra, xã Khâu Vai xác minh được 3/4 trường hợp bị tai nạn và 7/12 trường hợp bị bắt do cư trú bất hợp pháp. Còn 5 trường hợp chưa xác minh được và không có tên trên địa bàn.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã Khâu Vai, chúng tôi tìm đến nhà ông Vừ Mí Và (thôn Trù Lủng Dưới) có các con bị chết trong vụ việc. Ông Và kể, chỉ mới nghe tin là con mất thôi chứ chưa biết cụ thể thế nào vì không sang bên kia biên giới được. “Hôm trước có người bên Trung Quốc gọi điện về cho một người ở thôn bên cạnh báo tin”, ông Và nói. Nói thêm về con trai mình, Vừ Mí Mình (28 tuổi), ông Và òa khóc. Ông kể, con trai trước khi đi chỉ nói là đi làm chứ không nói rõ là sang Trung Quốc. “Thấy bảo là con tôi sang đó làm thuê phát cỏ cho đồi thông. Được trả khoảng 100.000 đồng một ngày công. Nó đi cùng 7 người nữa”, ông Và nghẹn ngào.
“Bây giờ chỉ chờ các cơ quan hai nước làm việc với nhau để mang con tôi về chứ tôi thì không thể sang bên đó được”, ông Và nói. Cách nhà ông Và mấy dãy nhà, bà Vừ Thị Sua, 40 tuổi cũng đang mong tin tức về con trai là Sùng Mí Pà. “Nó đi cùng với Vừ Mí Mình. Tôi cũng biết tin qua người ở thôn bên cạnh báo chứ cũng không biết chi tiết thế nào”, bà Sua chia sẻ.
Nhiều rủi ro
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo xã Khâu Vai xác nhận các nội dung nói trên, đồng thời cho biết, thông tin được củng cố thêm vì có hai người đàn ông đi làm cùng nhóm người bị nạn trở về trước đó mấy ngày. Theo vị này, ở xã Khâu Vai hiện có khoảng 210 trường hợp lao động bên kia biên giới. “Các cấp chính quyền đã vận động, tuyên truyền bà con là phải đi theo đường chính ngạch nhưng nhận thức của bà con còn hạn chế”, vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc đang có chính sách xuất khẩu lao động, đưa người sang bên Phú Ninh (Trung Quốc) làm ăn, nhưng người dân ngại làm giấy tờ. Người dân quen kiểu tự do rồi. Vào công ty làm thì gò bó, phải theo sản phẩm, nhiều tháng mới được về nhà. Ăn ngủ, đi lại phải theo quy định nên người dân không thích. Họ đi làm thế kia thì nay ở nhà mai đi cũng được, không làm giấy tờ gì hết. Thích về thăm nhà lúc nào thì về...Chính quyền đã vận động nhiều, thậm chí yêu cầu ký cam kết rồi nhưng toàn đi trốn, không báo cáo xã”, vị lãnh đạo xã nói.
Theo ông Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Khâu Vai, nhiều người nghĩ đơn giản là đi làm việc, nhưng khi xảy ra các sự cố đáng tiếc thì mới biết là vi phạm pháp luật. “Cấp ủy chính quyền cũng đã tuyên truyền rằng sang đó bất hợp pháp có nhiều rủi ro lớn. Ví dụ như bị cướp thì cũng không có ai bảo vệ, cơ quan chức năng bên đó họ vào cuộc thì sẽ bị bắt, bị phạt...”, ông Quý nói.
Trước đó, ngày 27/7, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Công an tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận thông tin về việc 37 người dân lao động có hộ khẩu tại địa phương gặp nạn do lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong 37 người gặp nạn, có 7 người đã tử vong. Công an tỉnh Hà Giang đã xác minh danh tính và đang phối hợp với cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao, Cục nghiệp vụ Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác sau khi nắm được thông tin vụ việc.