Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động hệ thống đối thoại doanh nghiệp - chính quyền (2002 - 2022) diễn ra ngày 18/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định chặng đường 20 năm đồng hành cùng doanh nghiệp của hệ thống đã mang lại một số dấu ấn nổi bật.
Quang cảnh hội nghị (ảnh: Ngô Tùng). |
Theo ông Hoan, TPHCM đã tiên phong trong xây dựng một mô hình đối thoại doanh nghiệp, tiên phong đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện và đến nay đã trở nên phổ quát, được nhiều địa phương thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, dù trong 20 năm đã có nhiều thay đổi nhưng hoạt động của hệ thống vẫn được duy trì liên tục, thường xuyên cải tiến và ngày càng mở rộng. Từ hoạt động của một ngành đến hoạt động của nhiều ngành, từ đối thoại định kỳ hay chuyên đề đã dần mở ra nhiều buổi đối thoại khác nhau, từ một nhóm ít cơ quan đã có đối thoại gồm nhiều cơ quan tham gia…
Ông Võ Văn Hoan gặp gỡ, trao đổi với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp. |
Bên cạnh đó, hệ thống chung này đã góp phần cải thiện được môi trường đầu tư, đồng thời củng cố, xây dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và kinh tế TPHCM cũng ngày càng tăng trưởng và phát triển.
Trên cơ sở đó, ông Võ Văn Hoan đặt vấn đề: “Hệ thống cần phải làm gì tiếp theo tới đây? Chúng ta cần làm tốt hơn những gì đang có và làm mới hơn để phù hợp với yêu cầu”.
Theo đó, đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ quản lý nhà nước cần nêu cao tinh thần luôn hành động khi thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình. Phải xem doanh nghiệp vừa là chủ thể vừa là đối tượng phục vụ của hệ thống đối thoại.
“Phải xem giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ công chức và của những người đứng đầu cơ quan nhà nước. Thành phố xem sự thành công của doanh nghiệp trên địa bàn là sự thành công trong chỉ đạo, điều hành phát triển thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Mặt khác, thành phố giải quyết vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng quan tâm giải quyết những vấn đề cụ thể của từng doanh nghiệp; không chỉ giải quyết những vấn đề pháp lý mà còn quan tâm giải quyết những vấn đề thực tiễn nhằm đáp ứng mong muốn và giải quyết thấu tình đạt lý những yêu cầu của doanh nghiệp.
Lãnh đạo TPHCM cũng cho rằng nên bổ sung việc chia sẻ những vấn đề chung mà cộng đồng doanh nghiệp các quốc gia quan tâm. “Tôi đề nghị thực hiện đồng thời cả việc lắng nghe và hành động. Hành động cũng bằng nhiều cách: Hành động nhanh bằng cách trả lời nhanh trên mạng để tạo sự yên tâm của doanh nghiệp, trả lời bằng văn bản, hoặc cao hơn là trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để lắng nghe những vướng mắc của họ”, ông Hoan nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại hội nghị. |
Là người đứng đầu hệ thống đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thời gian đầu vận hành, luật sư - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết, ở thời điểm 20 năm trước, lãnh đạo TPHCM nhận thức khoảng cách giữa doanh nghiệp và chính quyền khá lớn trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, do đó đã xây dựng hệ thống này.
Ông Nghĩa nhìn nhận, với tốc độ phát triển như hiện nay, khoảng cách này ngày càng phức tạp hơn, nhu cầu về thông tin, thủ tục hành chính… ngày càng tăng. Điều này đặt ra yêu cầu là chính quyền thành phố cần tương tác nhanh và cụ thể hơn với doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh, chính quyền số, nền kinh tế số, thành phố cần tổ chức các thông tin tiếp nhận từ hệ thống thành một hệ dữ liệu chung để doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng”, luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Tính đến tháng 10/2022, hệ thống có hơn 4.700 doanh nghiệp, hiệp hội đăng ký tham gia, với hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đã nhận và trả lời hơn 20.000 câu hỏi qua mạng.