Chiều 17/10, tại họp báo về tình hình kinh tế xã hội của TPHCM, nói về ý kiến đóng góp của Sun Group cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, bà Tô Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Kinh tế tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết: TPHCM rất hoan nghênh ý định đầu tư trên địa bàn, đặc biệt các dự án chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho TPHCM. Nội dung đề xuất của Sun Group trải dài trên nhiều địa phương quận, huyện, TP. Thủ Đức.
Quy mô diện tích thực hiện dự án rất lớn như Khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) với quy mô khoảng 427 ha, công viên Văn hóa lịch sử các dân tộc Việt Nam (phường Long Bình, TP. Thủ Đức) có quy mô khoảng 395 ha, Safari Củ Chi quy mô khoảng 457 ha, các khu đô thị dọc sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn), Khu đô thị tài chính Trường Thọ và Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (phường Trường Thọ - Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức) với quy mô khoảng 289 ha, Khu đô thị Long Trường (Nông trường Dừa ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức) có quy mô khoảng 297 ha, tuyến đường ven sông kết nối trung tâm TPHCM với Củ Chi với các loại hình giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt đô thị…
Hiện tại, UBND TPHCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị Sun Group cần có báo cáo đề xuất từng trường hợp dự án cụ thể để Sở Kế hoạch và Đầu tư có căn cứ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TPHCM ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, theo quyết định số 4448/QĐ-UBND ngày 8/10/2024.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị Sun Group có thể nghiên cứu danh mục này để đề xuất, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn TPHCM.
Sun Group đề xuất loạt dự án trải dài trên nhiều địa phương quận, huyện, TP. Thủ Đức. |
Trước đó, Sun Group gửi tới UBND TPHCM ý kiến đóng góp cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo Sun Group, TPHCM cần bổ sung vào quy hoạch trục đại lộ rộng 8 - 10 làn xe chạy dọc theo sông Sài Gòn, kết nối với Bình Dương, Tây Ninh. Tâm điểm là tuyến đường sắt nhẹ kết nối thẳng tới Tây Ninh, giúp giao thương giữa TPHCM với Tây Ninh và các tỉnh ven sông Sài Gòn ngày càng thuận lợi.
Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc theo tuyến đường ven sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100 km, tạo hành lang phát triển du lịch xuyên suốt, thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn Vùng Đông Nam Bộ phát triển xứng với tiềm năng.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM sẽ có tuyến giao thông ven sông Sài Gòn 3 - 4 làn xe, tổng chiều dài 78,2 km.
Tuy nhiên, để đón đầu tiềm năng phát triển trong tương lai, Sun Group đề xuất cần phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, với đại lộ quy mô 8 - 10 làn xe, kết nối Sài Gòn với Bình Dương và Tây Ninh, bám theo sông Sài Gòn, tạo liên kết sâu rộng với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cụ thể, tuyến đường đến Tây Ninh đi theo tỉnh lộ 6 (thuộc TPHCM) hướng về phía Tây Ninh, sau đó kết nối vào đường tỉnh 789 (thuộc tỉnh Tây Ninh). Đây là đường quốc lộ 22C theo định hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, tuyến đường sắt hạng nhẹ (LRT) chạy dọc tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ dừng tại huyện Củ Chi như dự kiến trong quy hoạch mà sẽ kéo dài toàn tuyến lên Tây Ninh, dài gần 100 km.
Như vậy, tuyến đường sắt hạng nhẹ (LRT) sẽ bổ sung thêm loại hình giao thông mới cùng với đường thủy, đường bộ, hoàn chỉnh hành lang phát triển kinh tế, du lịch Vùng Đông Nam Bộ, mở rộng hoạt động giao thương giữa Sài Gòn với Bình Dương, Tây Ninh.
Theo thuyết trình từ phía Sun Group, điều này góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến đường bộ hiện hữu, giảm tình trạng kẹt xe, thêm nhiều lựa chọn hơn cho người dân, du khách. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt hạng nhẹ mới sẽ kết nối Sài Gòn với các điểm đến hấp dẫn của Tây Ninh, thúc đẩy du lịch Tây Ninh phát triển.
Ngoài đề xuất đầu tư hạ tầng giao thông mới, Tập đoàn Sun Group cũng đóng góp thêm ý kiến về quy hoạch phát triển các khu vực giàu tiềm năng văn hóa, du lịch, đô thị của Sài Gòn.