Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH |
Ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Về lĩnh vực đầu tư, theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Qua đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng với dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu kinh tế… Trên cơ sở đó, các thủ tục hành chính được giảm bớt khoảng 260 ngày. Trong đó, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục để được cấp phép, phê duyệt từ cơ quan quản lý với 3 lĩnh vực tốn nhiều thời gian thực hiện, gồm: xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc giới hạn thủ tục đặc biệt cho một số dự án lớn, đặc thù, có tính lan tỏa và cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Ngoài ra, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm đáp ứng năng lực quyết định, tổ chức, nhân lực của từng cấp quản lý.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, đã là thủ tục đầu tư đặc biệt, cần thiết kế quy trình nhanh chứ không chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục. Qua đó, nhà đầu tư chỉ cần một bộ hồ sơ xin cấp phép cho tất cả, chứ không phải mỗi lĩnh vực một hồ sơ như hiện nay. Ngoài ra, cũng cần thu về một đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ... “Quy định thủ tục đặc biệt mà vẫn như hiện nay thì chưa đặc biệt. Nhà đầu tư nước ngoài đến chỉ gặp một ông thôi, như thế mới nhanh được, còn cứ đi hết cơ quan này đến cơ quan kia, mỗi nơi một hồ sơ, thì kéo dài vài năm”, ông Định lưu ý.
Giải trình thêm, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói, ngoài nội dung tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo còn đề xuất tất cả dự án thuộc mọi lĩnh vực đầu tư tại khu công nghiệp, chứ không chỉ riêng về công nghệ cao, đổi mới sáng tạo được hưởng “cơ chế luồng xanh”. Nghĩa là, khi nhà đầu tư đăng ký sẽ được xem xét cấp phép trong 15 ngày. Sau đó, họ không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, mà triển khai dự án ngay.
Gỡ vướng cho các dự án BT, BOT
Liên quan đến việc xử lý vướng mắc các dự án BOT, BT chuyển tiếp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật được sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Thẩm tra về xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương xử lý đối với nội dung này theo Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao, sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật PPP.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, khi Quốc hội cho ý kiến về Luật PPP, các đại biểu đã phát biểu, chất vấn rất sôi nổi. Nhiều dự án trước đây đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng không thực hiện được, lại chuyển hết sang đầu tư công. Rất nhiều vướng mắc lớn đã nảy sinh, như cơ chế thu lại phần vốn nhà nước, người dân chưa đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí, có dự án BOT doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh trật tự... Bà Thanh đề nghị xem xét thận trọng, chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh quan điểm, vướng đến đâu sửa đến đó, không cầu toàn. “Nếu sửa xong rồi để lại hậu quả, không xử lý được còn khó khăn hơn”, ông Định nói. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung xử lý các vấn đề rất vướng mắc trong thực tiễn và “không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây”, đảm bảo tính đồng bộ, đề phòng rủi ro về pháp lý.