Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 2 huyện nghèo, 5 huyện biên giới; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 83,91%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 19,28%; quy mô nền kinh tế nhỏ, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp; hạ tầng còn khó khăn…, vì vậy tỉnh xác định việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tỉnh đã đề ra.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, các sở, ngành liên quan đã khẩn trương lập, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 và hằng năm theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư UBND tỉnh đã giao thực hiện 3 CTMTQG là trên 4.222 tỷ đồng, trong đó: CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.304 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững trên 577,6 tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên 1.340 tỷ đồng. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về huy động, lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG.
Từ hỗ trợ vốn của nhà nước cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật, vụ na ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đã có vụ mùa bội thu. |
Từ các sản phẩm sẵn có ở địa phương, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn biến thành những món ăn độc đáo, đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Duy Chiến |
Các địa phương ở Lạng Sơn thường xuyên tổ chức các hội chợ để đồng bào các dân tộc địa phương giao lưu, học tập nhau đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Duy Chiến |
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong gần 3 năm thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục được cải thiện, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, từng bước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm đã đề ra. Cụ thể có một số lĩnh vực nổi bật như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%; các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực; theo mục tiêu đề ra, đã có 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42% so với mục tiêu (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn), 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 5 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3%.
*Còn những khó khăn
Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng qua gần 3 năm triển khai cho thấy, các CTMTQG thực hiện ở tỉnh Lạng Sơn vẫn nhiều khó khăn, nhất là trong việc giải ngân chậm các nguồn vốn sự nghiệp của từng chương trình, chưa đồng đều giữa các huyện, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa nhóm xã đạt chuẩn và các xã khác; số tiêu chí NTM bình quân/xã còn thấp; số lượng xã dưới 10 tiêu chí còn ở mức cao.
Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn so với giai đoạn 2016 – 2020; một số chỉ tiêu, tiêu chí quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: tiêu chí thu nhập tăng thêm 3 triệu đồng/người/năm theo từng năm; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung; tiêu chí về môi trường, hộ nghèo đa chiều, mai táng, hoả táng, tỷ lệ khám chữa bệnh từ xa… còn có nhiều bất cập.
Lạng Sơn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo. Ảnh: Duy Chiến |
Nhiều cây cầu dân sinh đã được dựng lên, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xứ Lạng. Ảnh: Duy Chiến |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu của các CTMTQG đề ra, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nhất hiện nay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho 2 huyện nghèo. Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, tiếp tục rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn; rà soát các tiêu chí để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, chủ động đẩy mạnh nhân rộng các mô hình đã tổ chức thực hiện tốt, triển khai có hiệu quả tại cơ sở.
Đối với CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về hạ tầng thiết yếu; tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.
“Hiện nay, việc triển khai 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 đã đi được hơn nửa chặng đường, việc nhận diện những khó khăn, kịp thời đề xuất và chủ động các giải pháp tháo gỡ là cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu mà từng CTMTQG đề ra, hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo, nâng chất lượng cuộc sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi”, Ông Lý Việt Hưng nói. …………………………………………………………………………
Thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập tổ giúp việc, văn phòng điều phối để triển khai công việc. Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, tỉnh đã ban hành 101 văn bản về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các CTMTQG trên địa bàn. ……………………………………………………………………………..