Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội

TPO - Làng Phú Vinh ở ngoại thành Hà Nội được biết đến là làng nghề mây tre đan truyền thống nổi tiếng bậc nhất Việt Nam với hàng trăm sản phẩm mây, tre đan các loại, cung ứng ra cả thị trường Thái Lan,Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.
Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 1

Làng Phú Vinh – xã Phú Hưng - huyện Chương Mỹ - Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Tây nổi tiếng với các sản phẩm thủ công làm từ mây, tre. Năm 2002, làng nghề Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống mây tre đan gần 400 năm nay với hơn 2400 hộ gia đình làm nghề . Ở Phú Vinh hầu như nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh thiếu niên trai tráng, người già đến phụ nữ, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Tĩnh - nghệ nhân có tiếng của làng Phú Vinh cho biết: “Nghề đan lát mây, tre có từ 400 trăm năm trước và truyền từ đời này qua đời khác. Theo ông Tĩnh, để duy trì và phát triển đa dạng về chất lượng và mẫu mã sản phẩm, người nghệ nhân ở đây luôn phải chú tâm trong việc lựa chọn từ nguyên vật liệu đầu vào tới các mẫu mã sản phẩm.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 3

Ông Tĩnh cho biết, các cơ sở ở làng phải nhập dây mây, cây song, cây guột từ các vùng núi phía Bắc và Tây Bắc. Những cây tre được đạt chuẩn được chọn hầu hết là tre non chưa già, được chặt hạ đem ngâm nước qua đêm cho mềm lại.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 4

Để làm ra một sản phẩm mây tre phải cần tới 2-3 giờ với rất rất nhiều công đoạn kỳ công, có những sản phẩm công phu hơn thì phải mất tới 6–7 giờ. Hiện giá mỗi sản phẩm dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Những sản phẩm có kích thước lớn hoặc được thiết kế công phu có giá từ 150.000 trở lên. Muốn làm ra một sản phẩm thủ công bằng mây tre hoàn chỉnh đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ và khéo léo. Trước khi bắt đầu tạo hình, mọi nguyên liệu cần được tuốt nhỏ cho vừa kích thước. Tùy vào hình dáng và công dụng của sản phẩm mà người nghệ nhân sẽ lựa chọn chất liệu và phối hoa văn cho phù hợp.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 5

Chị Nguyễn Thị Hân (36 tuổi), người gắn bó với nghề hơn 20 năm cho biết, các xưởng mây tre tại làng Phú Vinh đang dần tìm thị trường mới, mở rộng cung cấp sản phẩm mây tre sang các nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... theo chị Hân, những sản phẩm mây tre đan muốn phát triển rộng ra thị trường thì phải không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 6

Ông Hoàng Văn Hạnh (50 tuổi) cho biết, vì được kế thừa những kỹ thuật đan lát từ cha ông cũng như vì tình yêu với hồn quê Việt Nam và niềm đam mê đan lát, ông luôn mong muốn được nghiên cứu ra nhiều sản phẩm có ý nghĩa, có tính ứng dụng cao. Ông Hạnh cho biết thêm, có yêu nghề thì mới gắn bó được với nghề, sống cùng nghề và cống hiến vì nghề. Cho đến nay hầu hết những vật dụng sinh hoạt trong gia đình ông đều được làm thủ công từ mây tre: Bàn, ghế, đũa, đèn, giỏ, túi, rổ, khay, ống hút lươn, lồng bắt gà, mẹt, nia, thuyền buồm và nhiều vật dụng trang trí...

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 7

Không chỉ vậy, ông Hạnh còn có những sáng tạo độc đáo khi làm ra chiếc đèn với nguyên liệu từ những vật dụng bỏ đi trong xưởng đan của mình. Hiện trong xưởng ông Hạnh có hàng trăm chiếc đèn luôn được trưng bày và thắp sáng trong căn nhà ông.

Làng mây, tre đan trăm tuổi ở Hà Nội ảnh 8

Được biết, để duy trì và thúc đẩy nghề mây tre đan phát triển, hàng năm, chính quyền xã Phú Hưng tổ chức hội thi giao lưu sản phẩm giữa các nghệ nhân trong làng. Rất nhiều nghệ nhân làng mây tre đan Phú Vinh được nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia. Giữa hàng nghìn loại thủ công khác nhau, sản phẩm mây tre đan vẫn luôn giữ được nét đặc sắc và có sức hút riêng. Việc sáng tạo không ngừng khiến các sản phẩm nhằm đưa sản phẩm mây tre đan Việt Nam tiến xa ra thị trường quốc tế.

Theo Ảnh : Hải Yến
MỚI - NÓNG