Làng kẻ sĩ

Làng kẻ sĩ
TP - Có một ngôi làng nằm bên sông Sài Gòn, nơi ngày xưa là rừng Sác ngập mặn, chỉ có lúc nhúc rắn bò, cá sấu và cây cỏ dại mọc um tùm, từ đây có thể nhìn thấy “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy” (thơ Lê Anh Xuân).
Làng kẻ sĩ ảnh 1
Gia đình họa sĩ Lý Khắc Nhu.

Một ngôi làng “không giống ai” bởi cư dân sinh sống trong làng khá đặc biệt: Làng của gần 40 kẻ sĩ,  họ là họa sĩ mỹ thuật, điêu khắc gia, thi sĩ, luật sư, bác sĩ…

Lai lịch những vườn địa đàng

“Già làng” được mọi người tôn vinh trong ngôi làng đặc biệt này là họa sĩ Nguyễn Thanh Châu – Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật TP HCM, cánh chim đầu đàn của làng mỹ thuật hội họa. Ai cũng cho nhà bác Châu là một bảo tàng hội họa, mỹ thuật về đề tài chiến tranh.

Có lẽ sau những ký họa của họa sĩ Phương Đông, cố nghệ sĩ nhân dân – điêu khắc gia Diệp Minh Châu thì Thanh Châu là người còn một kho báu rất quý giá về nghệ thuật hội họa mang đề tài rất thực, rất sinh động về cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước của quân dân miền Nam.

Họa sĩ Lý Khắc Nhu “thường thực” của làng, là một nghệ sỹ người gốc Hoa sinh ra và lớn lên ở vùng đất mỏ Quảng Ninh, sau chuyến vào thị trấn sông Mao, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận sống.

Đến năm 1981 gia đình anh vào thành phố lập nghiệp sinh sống ở Quận 5. Chính anh đã cùng các họa sỹ người Hoa ở Quận 5, TP HCM như Trương Hán Minh, Hồ Hữu Thủ, Trương Lộ, Dương Văn Sen… thành lập CLB Mỹ thuật quận 5.

Lý Khắc Nhu là một họa sỹ rất thành công về tranh thủy mặc, sơn dầu, sơn mài. Các tác phẩm của anh tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế với nhiều giải thưởng.

Trông anh hiền lành như một nông dân vùng lúa, vui vẻ và khác lạ với những gì anh bày biện, trưng bày trong khuôn viên Kỳ Long Viên trên 3.000 m2 với lớn nhỏ hơn 10 nhà, chòi lợp ngói âm dương, tranh, lá, ao cá, nhà sàn, cầu kiều, tre trúc, đan xen với me chua, hoa kiểng, chùm ruột, mãng cầu…

“Kỳ Long Viên” của Lý Khắc Nhu cấu trúc xem rất rộng về phong thủy hài hòa âm dương. Mặt cổng chính, có bình phong chắn giữa cao 2 mét, rộng 2,5 mét tạo ra từ một phiến gỗ nguyên, hai lối đi hai bên, hai khu nhà trưng bày tả hữu tạo nên thế “Long chầu, Hổ phục”.

Rồi có hẳn một không gian dành cho trưng bày thư pháp khắc gỗ, sơn son thếp vàng rất bắt mắt. Những bức tranh sơn mài, sơn dầu ngự chiếm gần như hết các không gian trong những căn nhà trưng bày cột kèo chạm trổ rất công phu, như thể hiện sở trường của chủ nhân khu vườn thiên về trường phái tranh thủy mặc hướng đến không gian rộng, có sơn thủy, có gam màu…

Trong một góc vườn, anh trưng bày bộ sưu tập gần một trăm tượng gỗ đủ các kiểu dáng: Đứng, ngồi, mang, gùi, địu, giã gạo chày tay của thiếu nữ các dân tộc ít người Việt Nam từ vùng cao Tây Bắc đến Tây Nguyên và đồng bằng.

Rồi thì sỏi, đá cuội, gốc cây khô chạm trổ bon chen với những bức phù điêu bằng gỗ, sơn mài và gốm sứ như những cánh hoa đa sắc màu… góp nhau tạo nên vườn xuân, vườn nghệ thuật hội họa của Lý Khắc Nhu ghi dấu thời gian 64 năm cuộc đời sáng tạo nghệ thuật.

Cạn mấy chung trà, anh vẫn gật gù khoe cái sự sướng khi bỏ ra 10 năm tạo nên một khu vườn yên tĩnh mang tính nghệ thuật của riêng mình” bây giờ hễ đi đâu xa một chút là thấy nhớ, thấy lo lo…” theo cách nói của anh, thì đây là một “không gian thả lỏng” tha hồ sáng tạo.

Cạnh bênh nhà họa sĩ Nhu là họa sĩ Hoài Hương, cùng với các họa sĩ Dương Đình Hùng, Hồ Hữu Thủ, Trần Khánh Thọ, Lê Công Thành… mỗi nhà một vẻ rất riêng. Dương Đình Hùng, Hoài Hương là những cư dân đầu tiên của làng cùng với Thanh Châu, Bạch Trường Sơn.

Nặng tình với Huế, Dương Đình Hùng và Hoài Hương mang cả không gian cổ kính của đất Huế thần kinh vào đây. Nhà cột kèo 100 cây, trên 100 năm tuổi chứ ít ỏi gì, phía sau nhà là hồ bán nguyệt xây bằng gạch Bát Tràng, dát men, lót gạch tàu, ao thả sen, súng, cá lội tung tăng như ca dao xưa: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.

Thuở ban sơ nơi đây còn bùn sình nước đọng, cây cỏ mọc um tùm, người trong làng chưa góp tiền làm đường, kéo điện, cứ nghĩ đến việc dời chuyển hàng trăm cột kèo, rui mè chạm trổ công phượng từ Huế vào đã thầm bái phục chủ nhân khu vườn Huế ni sát đất.

Làng kẻ sĩ ảnh 2
Tranh thủy mặc của Lý Khắc Nhu

Một không gian toàn là gốm và gốm sứ đất nung của họa sĩ Lê Triều Điểm dân Vĩnh Long, không chỉ làm khách “ngứa con mắt bên trái, ngứa con mắt bên phải” vì gốm nghệ thuật mà còn vì ngôi nhà gốm và gốm. Gốm trong cây xanh, gốm trong mọi góc cạnh, mọi ngóc ngách mà khi ta nhìn, ta chợt lùi ra sau một chút, ngó nghiêng một chút sẽ nhìn thấy toàn cảnh bức tranh tuyệt tác của mỹ thuật đương đại điêu khắc trên gốm.

“Nhà không giống ai” của làng thuộc về dân cư họa sĩ Bạch Trường Sơn. Một căn nhà sàn to vật vã của dân tộc Mường vùng Tây Bắc. Bạch đại nhân để tóc trắng pha muối tiêu, làm nổi bật thêm đôi chân mày đậm đen, chổi xuể rất khó đoán tuổi.

Khi nói, giọng anh khàn đục như ca sỹ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, vừa có chút men rượu cồn pha lẫn sóng và gió biển đã tạo nên một cư dân rất gàn gàn và vui tính.

Khi nhấp nháp vài cốc rượu với mấy que cua đồng bắt ngoài mé sông, họa sĩ họ Bạch ôm đàn hát nghêu ngao “Thuyền và Biển”. Khi nói chuyện đời thì như một Chí Phèo say nát rượu, nhưng hát và bàn về tranh thì không có chút say nào. Rất tỉnh, tỉnh táo một cách đáng ngờ. Hơn 100 bức tranh vừa mới vẽ Bạch Trường Sơn mang ra khoe “anh Nhu” có những bức rất độc đáo.

Phải đợi Bạch Trường Sơn đi lấy thêm rượu ngâm dưới nhà, họa sĩ Lý Khắc Nhu thắc mắc: Chẳng hiểu thế nào mà anh ta mang cả một căn nhà sàn chính gốc Mường ở Hòa Bình to vật vã vào đây nhỉ? Cứ nhìn cơ số gỗ tròn to đùng đùng trọn một vòng tay ôm làm cột kèo, trính, sàn, thang gỗ đỏ sậm, mới thấy đam mê của con người là không biên giới.

Mỗi họa sĩ là một phong cách riêng, nét độc đáo riêng, nhưng ở họ vẫn có những cái rất chung. Chung niềm đam mê sáng tạo. Nghệ thuật là cung bậc chung để mọi người tìm đến với nhau và yêu hết mình, sống hết mình về nghệ thuật.

Gạt bỏ mọi sân si, ồn ào của cuộc sống đô thành bên kia sông Sài Gòn, những nét vẽ chấm phá sơn thủy, trữ tình, thủy mặc bay lượn dưới đôi tay  tài hoa của họa  sĩ dường như sáng tạo không ngừng.

Giấc mơ về một làng nghệ thuật – du lịch

Sài gòn trước đây và đến tận bây giờ đã có những làng Đại học, làng báo chí, làng dệt Bảy  Hiền, làng hoa Gò Vấp (đã bị đô thị hóa xóa sổ) nay mới có thêm một ngôi làng Hàm Long khá đặc biệt dành cho giới hội họa mỹ thuật.

Ngay cả một người thành phố vẫn chưa hề biết có làng Hàm Long tuyệt đẹp và cực kỳ độc đáo bên sông Sài Gòn, ngay khu rừng Sác lịch sử tồn tại ngót 10  năm nay thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi – Quận 2.

Những cư dân đầu tiên khai khẩn lập nên làng Hàm Long, có hàng trăm câu chuyện về rắn bò qua chân người, rắn chui vào giá sách, rắn lúc nhúc nạp mạng cho dân nhậu và những năm đầu khai khẩn, nhiều người sợ ban đêm lúc chưa kéo điện về.

Cùng với những câu chuyện vui buồn, nghệ thuật dường như không bao giờ cạn. Với bất kỳ ai đến làng thăm chơi, đều là bạn của mọi nhà, mọi người. Nhớ lần đến cửa hàng “già làng” Thanh Châu, ông vắng nhà, bà gọi điện í ới báo cho “bác Nhu, bác Hương, bác Sơn” tiếp khách cứ như “người của mọi nhà”, khách không của riêng ai…

Hai cuộc triển lãm, trại sáng tác tổ chức tại “Kỳ Long Viên” mang tính khởi đầu cho làng nghệ thuật Tết Đinh Hợi vẫn còn ít ỏi, xa lạ với nhiều người.

“Phó làng” Lý Khắc Nhu thổ lộ: Trong làng quy định: Không xây nhà lầu đài, không rào chắn giữa các nhà, tạo một lối đi thông suốt từ nhà này sang vườn nọ. Mỗi ngôi nhà có một sắc thái, không gian nghệ thuật riêng, nhưng có lối liên thông chung.

Sắp tới còn chuẩn bị thêm con người, đầu tư thêm cơ sở vật chất làm dịch vụ để đón khách du lịch đến tham quan, giao lưu, sáng tác và trao đổi nghệ thuật…

Có một ngôi làng như thế bên sông Sài Gòn lộng gió…

MỚI - NÓNG