Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI

Làm tốt nhất để tạo sự lan tỏa

Ford Việt Nam mỗi năm đóng góp cho ngân sách gần 1.700 tỷ đồng.
Ford Việt Nam mỗi năm đóng góp cho ngân sách gần 1.700 tỷ đồng.
TP - “Chúng tôi có nói 10 lần cũng không bằng doanh nghiệp (DN) họ nói với nhau 1 lần. Vì thế, chúng tôi cố gắng làm tốt nhất để tạo ra sự lan tỏa”- PGĐ Sở KH&ĐT Hải Dương Nguyễn Xuân Đoan nói như vậy với PV Tiền Phong. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao, một tỉnh không cận kề thủ đô, cũng không có cảng biển hay cảng hàng không, nhưng lại sớm trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Chế biến sâu, bảo vệ môi trường

Bức tranh kinh tế Hải Dương đang thể hiện rõ sự dịch chuyển, phát triển mạnh về công nghiệp, xây dựng. Tỷ trọng ngành này từ năm 2010 đã đạt 47,7%; đến năm 2015 tiếp tục tăng lên 52,5%. Biểu hiện rõ nhất của xu hướng công nghiệp hóa nhanh chóng này là việc định hướng đến năm 2020 sẽ quy hoạch, phát triển 18 khu công nghiệp (KCN), trong đó hiện đã có 10 KCN được thành lập (với tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 60%); quy hoạch 40 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.875 ha.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó GĐ Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đoan cho biết: Dù chú trọng công nghiệp nhưng tỉnh đã, đang và sẽ thu hút các nhà đầu tư một cách có chọn lọc; trong đó, định hướng là tập trung phát triển các KCN chuyên ngành để tạo chuỗi liên kết; chú trọng đến các DN chế biến sâu.

“Trong mô hình chế biến sâu, các DN sẽ thực hiện nhiều công đoạn tại địa bàn, từ sản xuất nguyên liệu cho đến khi hoàn thành sản phẩm có giá trị cao. Điều đó không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế cao cho DN mà địa phương sẽ có nguồn thu dồi dào hơn. Đơn cử, riêng Tập đoàn Ford sản xuất ô tô tại Hải Dương đã tạo ra nguồn thu cho ngân sách trung bình khoảng 1.700 tỷ đồng/năm” - ông Đoan lý giải.

Tại các KCN, Hải Dương cũng không khuyến khích các DN sử dụng quá nhiều lao động phổ thông như may mặc hay da giày. Tuy thu hút nhiều lao động nhưng nguồn thu từ những xưởng may, da giày không nhiều; đồng thời lại tạo ra áp lực dân số và các vấn đề xã hội liên quan. “Với những ngành này, chúng tôi hướng nhà đầu tư triển khai tại các vùng quê để có thể sử dụng được nguồn lao động tại chỗ. Làm công nhân nhưng đảm bảo được nguyên tắc “ly nông, bất ly hương” sẽ tạo cho người lao động có cuộc sống ổn định, bền vững hơn trên nhiều phương diện. Hải Dương kiên định chiến lược thu hút mô hình DN chế biến sâu, hiện đã có hai DN đầu tư vào Hải Dương để đón đầu TPP trong ngành may mặc với Quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi",  với tổng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD” - ông Đoan nói.

Bảo vệ môi trường luôn được Hải Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển công nghiệp bền vững. Cơ quan chức năng tại địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp. Tại 8 KCN đã có dự án đi vào hoạt động đều đã đạt tiêu chuẩn nước thải theo quy định. Việc kiểm tra về môi trường và công khai, minh bạch thông tin về môi trường là yêu cầu bắt buộc.

Có Giấy chứng nhận đầu tư sau 3 ngày

Nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là vệ tinh trong không gian phát triển Vùng Thủ đô, có hạ tầng giao thông phát triển (đặc biệt, Hải Dương có tới 40 km cao tốc Hải Phòng - Hà Nội chạy qua), nguồn lao động dồi dào, các cấp lãnh đạo chung ý chí - hành động là lợi thế để Hải Dương phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, Hải Dương không có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển KCN bằng các tỉnh kế cận Hà Nội hay thành phố có cảng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh.

Vì vậy, trong chủ trương thu hút các nguồn vốn đầu tư, ông Vương Đức Sáng, GĐ Sở KH&ĐT khẳng định: Hải Dương tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế bỏ vốn tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng. Vốn NSNN tập trung đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, hoặc không xã hội hóa được. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tạo hành lang pháp lý với các cơ chế, chính sách đồng bộ, công khai, minh bạch để thu hút vốn từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư SXKD, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với những hình thức phù hợp, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư và lợi ích toàn xã hội.

Được biết, hiện tất cả các KCN, CCN ở Hải Dương đều do tư nhân đầu tư. Hải Dương xác định: Dư địa cạnh tranh trong khuôn khổ cơ chế chính sách mà Chính phủ đặt ra chính là việc chủ động kêu gọi đầu tư và cải cách thủ tục hành chính. Ngoài các hội nghị xúc tiến trong nước, Hải Dương chủ động tổ chức các hội nghị mời gọi các DN tại nước ngoài (Hiện hơn 95% DN ở các KCN của Hải Dương thuộc diện FDI). Về tinh thần phục vụ nhà đầu tư, ông Đoan dẫn ví dụ: Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, dự án trị giá 14 triệu USD của Công ty TNHH Công nghiệp nặng MES-UBI nằm ngoài KCN (DN sản xuất, gia công sản phẩm cơ khí, thiết bị áp lực cao của Nhật Bản) chỉ mất 3 ngày để có Giấy chứng nhận đầu tư. “Chúng tôi có nói 10 lần cũng không bằng DN họ nói với nhau 1 lần. Vì thế, chúng tôi cố gắng làm tốt nhất để tạo ra sự lan tỏa” - ông Đoan nói.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hải Dương cho biết, hiện nay tiếp tục mời gọi các dự án phát triển hạ tầng; công nghệ cao, chế biến sâu về: nông nghiệp, điện tử, may mặc, giáo dục, y tế... Hai dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Hải Dương và nhà máy Nhiệt điện BOT ở huyện Kinh Môn (công suất 1.200 MW) là hai dự án lớn, kỳ vọng tạo ra sức bật mới về công nghiệp cho Hải Dương.

MỚI - NÓNG
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
Trực thăng vũ trang tổng duyệt trên bầu trời Điện Biên
TPO - Sáng 5/5, tại tỉnh Điện Biên, cùng với các khối diễu binh, diễu hành trên mặt đất, các biên đội trực thăng vũ trang của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tham gia chương trình tổng duyệt, trước khi bay trình diễn chính thức tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 tới đây.