Trần Lê Khánh là cái tên lạ, gây tò mò với nhiều người đọc. Anh quê gốc ở Hòa Bình nhưng học tập, sinh sống ở TPHCM, từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM, có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA (Mỹ) cấp năm 2004. Trước khi được biết đến là tác giả của nhiều tập thơ, anh là chuyên gia phân tích tài chính có tiếng trong giới.
“Có thể ít người biết anh ấy. Chúng tôi giới thiệu anh bởi những khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật thi ca. Trần Lê Khánh có cách nhìn khác biệt chúng tôi, nhưng chúng tôi tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai”, Nguyễn Quang Thiều nói.
Theo Nguyễn Quang Thiều, thơ Trần Lê Khánh tối giản, cô đọng, thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc. “Trong sáng tạo, nếu không làm ra sự khác biệt thì đồng nghĩa với cái chết. Sự khác biệt không phải tùy tiện mà nằm trong tự do, nguyên lý cơ bản của sáng tạo nghệ thuật”, Nguyễn Quang Thiều nói. Ông cho rằng tác giả này tìm ra “căn cước” của riêng mình trong những người làm thơ.
Tác giả Trần Lê Khánh
Trao đổi bên lề, tác giả Trần Lê Khánh khẳng định căn cước không phải cố làm ra được, khi nhà thơ tự nhiên nhất khi ấy đó chính là căn cước. “Với tôi là như vậy, nghề nghiệp thì khác. Nếu làm thơ mà tìm căn cước thì chúng ta càng đánh mất mình”, Trần Lê Khánh nói.
Anh tâm sự ban đầu không yêu và hiểu thơ lắm, nhưng gần đây khi bắt đầu làm thơ “tôi thấy đọc thơ người khác hay hơn hẳn”. Anh cũng thẳng thắn rằng “tìm tri kỷ không tìm bạn đọc”, tự nhận mình gặp được những tri kỷ đồng cảm và yêu thơ của anh.
“Trước tôi đọc thơ của những nhà thơ nổi tiếng nhưng không cảm hết được, khi trăn trở những câu thơ của mình thì đọc thơ những tác giả Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Giáng... có những câu thơ mà giống như tôi lọc được viên kim cương, tôi cứ ngây người trước những vẻ đẹp của nó”, anh nói.
Một số tập thơ đã in của Trần Lê Khánh
Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn cho biết anh và nhiều người trong giới ở TPHCM coi Trần Lê Khánh là gương mặt thơ xuất sắc trong thế hệ 7X phía nam. Việc chuyên gia tài chính chuyển sang làm thơ ban đầu khiến Lê Thiếu Nhơn bất ngờ, sau tiếp xúc mới thấy Trần Lê Khánh là người lãng mạn, không làm thơ mới là chuyện lạ.
Với Lê Thiếu Nhơn chỉ hai câu lục bát: “Người đi bỏ lại bầu trời/Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay” đã đủ khiến Trần Lê Khánh là nhà thơ. Chính Lê Thiếu Nhơn khuyên tác giả không nên để thể lục bát kìm hãm. Sau này Trần Lê Khánh chuyển sang viết thơ ngắn, để lại những ấn tượng riêng với những bài thơ ấy.
Trần Lê Khánh từng ra mắt tập “Lục bát Múa” gồm 756 cặp lục bát, mỗi cặp được ví như bài thơ ngắn. Anh chọn ra in nhiều tập thơ: Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục Bát Múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019), sắp tới là tập Xứ trong năm sau. Tác giả dự kiến dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ .tập “Sự bắt đầu của nước”.