Nguyễn Quang Thiều sinh ra cho tranh cãi?

Nguyễn Huy Thiệp (ngoài cùng bên phải) phát biểu về thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên trái) Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nguyễn Huy Thiệp (ngoài cùng bên phải) phát biểu về thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên trái) Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Viện Văn học ưu ái dành hẳn cả ngày 28-6 để tọa đàm khoa học về Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, quy tụ đông đảo văn giới về hiện tượng cũng gây dư luận nhiều chiều.

> Đặng Thân và cái 'siêu thị' hậu hiện đại

Nguyễn Huy Thiệp (ngoài cùng bên phải) phát biểu về thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên trái) Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nguyễn Huy Thiệp (ngoài cùng bên phải) phát biểu về thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên trái).  Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Phòng họp Viện Văn học quá nhỏ so với sự nồng nhiệt của văn giới. Mấy chục ghế trong phòng kín người, tận dụng thêm cả hàng ghế hành lang, và vẫn có người phải đứng.

Tưởng kéo dài đến chiều sẽ vắng nhưng hầu hết nhà văn, nhà thơ phát biểu từ sáng vẫn nán lại đến phút chót. Âu cũng là sự đáng mừng cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nguyễn Quang Thiều không phải tất bật làm MC, hay lo toan hậu trường như một số cuộc họp mặt khác. Anh điềm tĩnh ngồi nghe đồng nghiệp khi tham luận, khi nói vo, tổng cộng ngót 30 ý kiến.

Lúc ôm đầu, khi chau mày, chống cằm, thậm chí có lúc anh không nhìn người phát biểu lấy một lần, dù người ta khen. Chỉ đến lượt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói, anh tươi hơn, nhìn thẳng và thi thoảng còn gật gù. Nhân vật chính có vẻ cởi mở hơn với phần tọa đàm buổi chiều.

Những người tổ chức hẳn toan tính cho cuộc tọa đàm này lâu rồi: Gần 30 tham luận của các nhà thơ, nhà phê bình được tập hợp công phu trong cuốn sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành, thêm hai tham luận gửi muộn được photo đầy đủ.

Như lời Nguyễn Huy Thiệp, ông cho rằng: “Có những giá trị mà chúng tôi, hay anh Thiều không cần tọa đàm này. Nhưng Viện Văn học, giới học thuật cần nó. Chúng ta làm tọa đàm thế nào cho đỡ nhếch nhác, đỡ dung tục đi, phải có đẳng cấp của nó”.

Vì lẽ ấy mà phần tham luận được khuyến nghị ngắn gọn, nhường cho các ý kiến trao đổi. PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học trình bày đề dẫn Đổi mới thơ Việt Nam đương đại nhìn từ trường hợp Nguyễn Quang Thiều, trước ba tham luận của Hồ Thế Hà, Mai Văn Phấn và Đông La.

Buổi thảo luận xem ra nhẹ nhàng, hiệu quả, mỗi người một ý về thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhà văn Nguyễn Đình Chính coi Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Quang Thiều là ba nhà thơ hiện đại, thấm được phù sa văn hóa của dòng sông dân tộc để viết thành những vần thơ hiện đại.

Chia sẻ với Nguyễn Đình Chính, nhưng nhà phê bình Nguyễn Hòa lại cho rằng, ban đầu anh nghĩ Nguyễn Quang Thiều cũng như Nguyễn Đình Thi, Trần Dần có sáng tạo mang tính độc sáng hơn là mở đầu cho xu hướng.

Nhưng càng ngày, thơ của anh cùng thế hệ Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Trương Đăng Dung… dường như xuất hiện một xu hướng khác.

Xu hướng có thể thành công hoặc không, nhưng buộc chúng ta phải đi tiếp. Ở đó các nhà thơ chịu dấn thân vào không gian mới của thời đại, thay đổi cái du dương, trầm bổng của thơ ca suốt thế kỷ qua.

Lâu nay, không ít ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ dịch, lai căng. Nhà văn Đặng Thân vòng vo, viện nhiều dẫn chứng cũng chỉ để phá tan luận điểm này.

Bởi anh cho rằng Nguyễn Quang Thiều có cuộc cách tân đến tận cùng để về nguồn. Còn bạn văn Nguyễn Huy Thiệp bênh anh ở khía cạnh khác.

“Anh Thiều rõ ràng là giá trị rồi. Trong hơn 20 năm qua, anh viết hơn chục tập thơ, văn và làm báo nữa. Ở đây chắc mọi người mới nhìn thấy mặt thành công của anh ấy, mà không thấy được những lúc anh ấy cô đơn, phải chiến đấu với bạn bè, đủ thứ thì mới có thành tựu thế này”.

Chẳng biết có phải sự may mắn hay không, nhưng bạn văn, giới phê bình đến tọa đàm đều dành những lời ưu ái cho Nguyễn Quang Thiều.

Người ta ca ngợi thơ anh cách tân, tìm tòi, nhiều liên tưởng, rằng anh đưa được trường thẩm mĩ mới, khước từ mọi ước lệ, dẫu không thuộc dòng thơ để thuộc.

Trong số tham luận gửi về, Bài hát về cố hương được trích dẫn nhiều nhất: “Tôi hát bài hát về cố hương tôi/Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/Nó không tiêu tan/Nó thành con giun đất/Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao/Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/Bò qua bãi tha ma người làng chết đói/Đất đùn lên máu chảy ròng ròng”.

Nhà thơ Phan Hoàng từ TPHCM thẳng thắn: “Từ khi anh Nguyễn Quang Thiều xuất hiện cho đến giờ, từ trường thơ của anh có tầm ảnh hưởng rộng đến các anh em trẻ, mà còn lan rộng thế hệ của anh và thậm chí kích thích sự sáng tạo của các bậc đàn anh đi trước phải thay đổi. Tôi chưa thấy tham luận nào biện giải về vấn đề này. Còn nữa, từ sáng tới giờ tôi chưa nghe, chưa thấy bất cứ tham luận nào chỉ được cái dở, chưa được thơ anh Thiều”.

May sao nhà thơ Hữu Thỉnh sau khi dành những lời ưu ái cho Nguyễn Quang Thiều, kịp nêu những băn khoăn đáng kể, được xem là lời kết hay cho cuộc tọa đàm.

“Nguyễn Quang Thiều đang đi từ những câu thơ hay không giải thích được, đến những câu thơ hay có thể giải thích được. Anh hơi lạm dụng những câu thơ kể lể, mà thơ thì không cần thế. Dường như Nguyễn Quang Thiều đang đi thang máy chứ không phải cầu thang lên các lâu đài thơ. Đi cầu thang có quy luật của nó, đó là những chiếu nghỉ, trong thơ là những khoảng trống. Anh cần tạo ra nhiều khoảng trống, sự im lặng hơn nữa trong thơ”.

Nhân vật chính của cuộc tọa đàm tiếp lời: “Thực sự những phê phán, nhắc nhở hôm này còn ít quá. Tôi nói điều này không phải khách sáo. Tôi biết mọi người dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Có những lời nói, tham luận vì quý tôi mà nói hơn một câu, vì yêu tôi mà nói hơn một chữ. Đến lúc nào đó tôi hi vọng mọi người nói về tôi trừ đi một chữ, một câu. Những điều các anh chị nói tôi ngồi nghe một cách lặng lẽ, nhưng tôi cũng là kẻ rất tinh quái, ghi vào đầu và xem lại mình”.

Ai bênh Nguyễn Quang Thiều?

Nhà thơ Hữu Thỉnh mở đầu lời phát biểu bằng nhận xét, Nguyễn Quang Thiều là con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi. Cuộc tranh cãi đầu tiên từ năm 1983 khi tạp chí Văn nghệ Quân đội thi thơ, đến Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 (Sự mất ngủ của lửa), sau đó là bài thơ được giải nhất cuộc thi Người phụ nữ với tình yêu, hạnh phúc gia đình, khi ấy Nguyễn Quang Thiều lấy tên Nguyễn Hoàng Lê cũng phân chia dư luận. Gần nhất là ý kiến của nhà thơ Trần Mạnh Hảo coi thơ anh là “thơ tân con cóc”.

“Làm sao người làm thơ tài như Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa lại không thấy Sự mất ngủ của lửa rất hay?”, nhà văn Văn Chinh đặt câu hỏi. Nguyễn Việt Chiến bảo những “đánh đập” thơ Thiều lâu nay trên các diễn đàn thật vô lối, dẫn đọc luôn những vần thơ ám ảnh viết từ 22 năm trước. Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Đăng Điệp kể: “Trong khi tôi nghe nhiều người tán thưởng tọa đàm này, thì một người mang danh nhà văn gọi tôi hơn một tiếng đồng hồ hôm qua, mắng nhiếc tôi. Tôi cho rằng, từ hiện tượng văn học để qua đó tìm được chân lí, chứ không phải nói một câu vu vơ rằng nhà văn, nhà thơ này rất đáng khen ngợi hay đáng bị chê bai”.

Nguyễn Quang Thiều từ tốn khép lại mọi khen chê: “Trước khi nhà thơ Hữu Thỉnh nói những lời tâm huyết về thơ tôi, tôi cứ hình dung mình phải làm một thuyết trình nho nhỏ. Nhưng bây giờ tôi cần chiếu nghỉ. Đấy là một điều mà đọc lại thơ mình, cũng mơ hồ nhận ra. Hãy cho tôi được sống thêm, suy ngẫm thêm, được hưởng những điều tốt đẹp hơn và cả những giày vò, phê phán, trách móc, nguyền rủa tôi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.