Loại hình du lịch mạo hiểm này vừa được thành phố Đà Nẵng đưa vào khai thác tại ngọn Thủy Sơn, một trong những ngọn núi đẹp nhất của danh thắng Ngũ Hành Sơn.
“Chạy” trên lưng núi
Sau khi leo bộ theo dãy bậc thang ngoằn ngoèo quanh núi đến hộc hơi, nhóm thầy trò người Úc nằm xoài xuống phiến đá trước cửa động Vân Thông. Ngước mắt nhìn quanh, cô bé Millie Donaildson mừng rỡ hét lên khi bắt gặp những sợi dây thừng được thả xuống trước động: “Chúng ta sẽ chinh phục ngọn núi đó đúng không? Trông nó không quá cao và nguy hiểm như em tưởng tượng”. Không thể chờ đợi thêm, Mille và nhóm bạn bật dậy nghe huấn luyện viên giới thiệu về ngọn núi, các quy định khi leo núi và trang bị bảo hộ cho từng người. Cả nhóm tiếp tục theo chân các huấn luyện viên lên đỉnh, xem huấn luyện viên trình diễn màn đu dây, đứng trên vách đá, búng người và tiếp đất hoàn hảo.
Vừa mới hưng phấn khi bắt gặp, nhưng khi bước vào thử thách mạo hiểm này, Mille tái xanh mặt và ré lên. Xuống được một phần ba quãng đường, cô bé chững lại như không thể tiếp tục, những người bạn đã vỗ tay cổ vũ và động viên cô cố gắng vượt qua. Huấn luyện viên từ bên dưới hét vọng lên, bảo Mille hãy nhẹ nhàng đạp chân vào vách đá để giữ thăng bằng, bên trên một huấn luyện viên khác từ từ nới dây. Sau vài cú “nhún nhảy” trên lưng núi, Mille cũng hoàn thành phần “hạ sơn” của mình. Vừa tiếp đất, cô bé bật khóc: “Cảm giác ở trên cao nhìn xuống rất kinh hoàng. Em không tin mình đã vượt qua. Em sẽ thử thêm một lần nữa để cảm nhận tốt hơn thử thách này”.
Trong khi đó, những bạn nam cùng lớp với cô bé lại vô cùng phấn khích. Một số bạn dù lần đầu được làm “người nhện” nhưng tỏ ra rất sành, tự tin “đi”, “chạy” trên lưng núi và búng đẩy liên tục. Amelia Donaldson, thả mình “phiêu” theo cú văng mạnh của dây từ vách núi ra, miệng hét lên thích thú. Cậu bé vui vẻ nói: “Cảm giác “chạy” trên lưng núi và bật văng ra xa thật là tuyệt! Như những siêu nhân! Ngọn núi này không quá cao và được huấn luyện viên kèm ở cả trên đỉnh, dưới chân nên em không hề lo sợ. Đây là trải nghiệm thú vị nhất trong chuyến thăm Việt Nam lần này”.
Buổi leo núi khiến du khách tham quan đổ về cửa động Vân Thông mỗi lúc một đông. Máy ảnh, điện thoại liên tục chĩa ống kính vào những “Tôn Ngộ Không” từ đỉnh núi xuống. Chị Trần Hải Hà, một du khách đến từ Hà Nội cùng nhóm bạn mắt chữ O, miệng chữ A khi thấy những cô cậu học trò mới 14, 15 leo núi. “Lâu nay nghe tới leo núi là hình dung ra những người to khỏe, vạm vỡ trên những ngọn núi đồ sộ. Không tưởng môn này lại thú vị, an toàn như vậy. Học sinh cấp 2 làm được, mình cũng phải thử chứ”, chị Hà hào hứng.
Khám phá thân thiện môi trường
Anh Trần Văn Khanh, huấn luyện viên leo núi cho hay, mỗi tour leo núi phải có ít nhất hai huấn luyện viên, trước khi vào cuộc cần kiểm tra sức khỏe người chơi, trang bị bảo hộ gồm đai bảo hiểm, mũ bảo hiểm, thắng, móc…Sau đó tập thử và đánh giá từng người. Theo anh Khanh, trò chơi này có yếu tố mạo hiểm nên kích thích sở trường khám phá, trải nghiệm của du khách nước ngoài. “Người Việt nghe từ mạo hiểm là sợ, nhưng cũng khiến họ tò mò. Hầu hết mọi người khi xem xong đều muốn thử sức”, anh Khanh nói.
Ngoài vẻ đẹp nổi trội, ngọn Thủy Sơn có địa hình đa dạng phù hợp với việc leo núi. Gồm nhiều vách đá lớn nhỏ có thể leo ở nhiều cấp độ khác nhau, có cả hang động huyền bí, bên dưới rợp mát cây xanh và những ngôi chùa mang lại cảm giác an yên, thanh tịnh. Liam (người Úc) tỏ ra hài lòng: “Đứng từ trên đỉnh động Vân Thông nhìn xuống, tôi thấy mình như quyện vào thiên nhiên. Được quan sát cảnh quan xung quanh từ trên cao làm tôi có cảm xúc rất khó tả. Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của Việt Nam và thấy yêu đất nước này hơn”.
Theo ông Võ Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Du lịch Mạo hiểm Việt (đơn vị tổ chức khai thác), leo núi là một trong những hoạt động du lịch thân thiện với môi trường nhất, bởi nó cần đến sự nguyên bản của thiên nhiên để làm tăng giá trị khám phá. Các phương tiện được bố trí dựa vào địa hình thực tế như gốc cây, hộc đá để neo dây… Chỉ khi thật sự cần thiết mới khoan đá bằng mũi khoan sâu với đường kính khoảng 1cm để cố định các khoen giúp neo dây an toàn. Sau khi xong tour không tác động đến môi trường tự nhiên. “Xu hướng du lịch bây giờ là tìm về với thiên nhiên, khám phá sự nguyên bản của môi trường xung quanh cho dù nhiều thử thách và tốn thời gian. Loại hình leo núi này đáp ứng được đam mê trải nghiệm trong môi trường tự nhiên du khách trẻ, đặc biệt với du khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội tạo điểm nhấn về cảnh quan của Đà Nẵng trong lòng du khách”, ông Trung nói.
Phong phú sản phẩm du lịch Ngũ Hành Sơn
“Hoạt động leo núi góp phần làm phong phú hơn sản phẩm du lịch của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ban quản lý luôn tăng cường công tác kiểm tra, ràng buộc đơn vị khai thác phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Sau thời gian thí điểm một năm như chủ trương của thành phố, nếu suôn sẻ và thu hút đông đảo khách du lịch, lúc đó sẽ xem xét để tiếp tục khai thác, phát triển loại hình du lịch này” - ông Lê Ngọc Nhất, Phó trưởng BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nói.