Làm gì để giảm oan sai cho người dân?

Làm gì để giảm oan sai cho người dân?
TP - Nhiều diễn giả tham dự hội thảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LSVN) nhấn mạnh vai trò phòng chống oan sai của các luật sư; họ dẫn ra nhiều vụ án cụ thể các luật sư đã thể hiện tốt vai trò của mình.

(Tiếp theo số 306)

Làm gì để giảm oan sai cho người dân? ảnh 1
Luật sư Phạm Hồng Hải trả lời phỏng vấn báo chí về phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự

Những bài học đắt giá

Tại hội thảo “Cải cách tư pháp và phòng chống oan sai trong hoạt động tố tụng” của Liên đoàn LSVN, các diễn giả dẫn ra một số vụ án đã được minh oan, từ đó có thể rút ra những bài học cần thiết.

TS Nguyễn Văn Điệp (Học viện Tư pháp) nhắc lại vụ án Vườn Điều ở Bình Thuận. Trong vụ án này, ông Điệp nhấn mạnh chính các luật sư đã chỉ ra nhiều vi phạm tố tụng, từ việc khởi tố, bắt tạm giam, thực nghiệm điều tra, đến thu giữ - trao trả vật chứng...

Đặc biệt, các luật sư chứng minh trong việc lấy lời khai, điều tra viên đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng, có cả dấu hiệu mớm cung, bức cung bị cáo, nhân chứng. Trước toà, các luật sư đã mạnh dạn nêu ra những sai phạm này, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn trong đánh giá chứng cứ, từ đó các luật sư khẳng định việc buộc tội các bị cáo là không có cơ sở.

Không chỉ đề nghị trả tự do, minh oan cho các bị cáo, các luật sư còn đề nghị xem xét xử lý những cán bộ đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Những yêu cầu cương quyết đó đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi CQĐT, điều tra lại, và sau đó, vụ án đã được đình chỉ.

Luật sư Nguyễn Cẩm (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hải Phòng) nêu một vụ án oan khác: vụ trộm cắp cổ vật ở Bắc Giang (ông Cẩm trực tiếp bào chữa cho một bị cáo).

Tương tự ông Điệp, ông Cẩm nêu ra nhiều sai phạm tố tụng trong hoạt động điều tra và truy tố của vụ án này: Khép tội các bị can chủ yếu dựa trên những lời khai còn có quá nhiều mâu thuẫn; vật chứng thu giữ không phù hợp diễn biến vụ án; các bị cáo bị tạm giam quá lâu và khi ra toà, họ đều tố cáo bị bức cung, nhục hình...

Trước toà, các luật sư thẳng thắn chỉ ra những sai phạm đó, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để làm rõ các chứng cứ cởi tội cho các bị cáo, và cả những chứng cứ cho thấy dấu hiệu bức cung, nhục hình. Đề nghị này được chấp nhận, vụ án sau đó được đình chỉ.

Vụ án đang có dấu hiệu oan sai

Cũng tại hội thảo, nhiều luật sư cùng phân tích về một vụ án có dấu hiệu oan sai, do TAND TP Hà Nội mới xét xử sơ thẩm tháng 9/2009, đang gây chú ý dư luận. Đó là vụ án Trần Thị Thuận và đồng bọn mua bán trái phép chất ma tuý.

“Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật nghề luật sư, chú trọng cơ chế đảm bảo nâng cao hiệu quả tranh tụng của các luật sư tại các phiên toà” (phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Đại hội Liên đoàn luật sư Việt Nam lần thứ nhất).

Trong vụ án này, người có dấu hiệu bị làm oan là bị cáo Phạm Đình Tiếng, nguyên cán bộ PC17 Công an TP Hà Nội. Bị cáo Tiếng bị cáo buộc đã “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hiện đang đối mặt với mức án sơ thẩm 17 năm tù.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Tiếng) nêu ra hàng loạt vi phạm tố tụng, ở cả các khâu điều tra, truy tố và xét xử của vụ án này: Thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam các bị can quá dài; xác định sai thẩm quyền điều tra; thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định không đúng quy định tố tụng; cán bộ giám sát điều tra không phải là kiểm sát viên; toà án cấp sơ thẩm không tống đạt các văn bản cần thiết cho những người tham gia tố tụng...

Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư Quảng Ninh, cùng bào chữa cho bị cáo Tiếng) nêu ra hàng loạt mâu thuẫn trong các chứng cứ dùng để cột tội bị cáo Tiếng - chủ yếu là lời khai của cặp vợ chồng bị cáo cầm đầu đường dây ma tuý Bùi Trọng Bảy và Trần Thị Lan - để khẳng định chúng không đủ giá trị pháp lý cột tội bị cáo Tiếng.

Ông Ninh nhấn mạnh việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án không khách quan, còn bỏ qua nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị cáo Tiếng.

Tuy không tham gia bào chữa cho bị cáo Tiếng trong vụ án, song qua nghiên cứu hồ sơ của các đồng nghiệp, PGS - TS Phạm Hồng Hải (Phó Chủ tịch Liên đoàn LSVN) đi sâu phân tích mâu thuẫn giữa các lời khai của Bùi Trọng Bảy, Trần Thị Lan và một số đối tượng liên quan, ông Hải đi đến nhận định không đủ căn cứ để cáo buộc Phạm Đình Tiếng có hành vi “nhận hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG