'Làm báo có thể nghèo nhưng không lợi dụng cái này để đánh cái kia...'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Làm báo có thể nghèo nhưng không làm tiêu cực, lợi dụng cái này để đánh cái kia, cái nọ. Không đi theo, nghe người này, người kia nói mà không điều tra, xem xét kỹ trước khi đăng, gây phức tạp mà phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Ngày 18/3, tại TPHCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

'Làm báo có thể nghèo nhưng không lợi dụng cái này để đánh cái kia...' ảnh 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Báo Nhân dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận trong năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã đổi mới để bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại, tăng cường hội nhập sâu rộng vào quốc tế.

Hội đã kiên quyết xử lý vi phạm của nhà báo liên quan đến phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của phóng viên, biên tập viên trên cơ sở thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhìn nhận có tình trạng không hay về nhóm “đánh, đấm” tiêu cực, chủ yếu ở đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa bàn chưa có điều kiện quản lý chặt chẽ. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu năm nay phải quyết tâm từng bước khắc phục để làm lành mạnh đội ngũ người làm báo.

Nói đến vai trò truyền thông chính sách, ông Nghĩa cho rằng phải làm sao để chủ trương, chính sách đến với người dân; cuối cùng cũng vì sự ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. "Doanh nghiệp nào làm sai pháp luật thì phải đấu tranh, còn người ta làm đúng, có khát vọng vươn lên làm giàu cho đất nước thì mình phải ủng hộ để họ phát triển" - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

“Làm báo có thể nghèo nhưng không làm tiêu cực, lợi dụng cái này để đánh cái kia, cái nọ. Không đi theo, nghe người này, người kia nói mà không điều tra, xem xét kỹ trước khi đăng, gây phức tạp mà phải nói đúng, trúng, khách quan, hiệu quả. Mỗi bài viết chống tiêu cực phải tạo sự tâm phục, khẩu phục, đúng đường lối, pháp luật, đúng đạo đức và đúng nguyện vọng người dân. Nếu làm được như vậy thì vị thế báo chí, phóng viên được nâng lên rất nhiều”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhìn nhận công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.

Báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ cấp Trung ương đến cấp hội trực thuộc đã tăng cường hoạt động, xử lý, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên với các trường hợp vi phạm.

Từ đó, xử lý và kiến nghị xử lý 14 vụ việc liên quan đến 10 trường hợp là phóng viên, hội viên vi phạm pháp luật, quy tắc sử dụng mạng xã hội. Đa phần các phóng viên vi phạm đều đang ký hợp đồng thử việc, chưa là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và tỷ lệ hội viên vi phạm chiếm 30%, tập trung ở các tạp chí.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo.

MỚI - NÓNG