Lãi suất tín dụng đen lên đến 700% một năm

Tín dụng đen khiến nhiều gia đình chịu khổ với lãi suất cắt cổ.
Tín dụng đen khiến nhiều gia đình chịu khổ với lãi suất cắt cổ.
TPO - Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, các khoản cho vay có lãi suất quá 20%/năm đều được coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, lãi suất tín dụng đen hiện nay thường lên tới 300-700%.

Chia sẻ tại Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn ra sáng nay (17/10), Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho biết quy định tại Bộ luật Dân sự hiện nay, mức lãi suất cho vay tối đa với các khoản vay dân sự chỉ là 20%/năm (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác).

Trường hợp cho vay với lãi suất vượt quá 5 lần so với trần lãi suất cho phép của Bộ luật Dân sự (tương ứng 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

“Các khoản vay có lãi suất vượt quá 20%/năm đều được coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự”, ông Vương nói.

Theo vị lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, thực tế hiện nay, mức lãi suất của hoạt động tín dụng đen cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất cho vay dân sự cho phép. Trong đó, mức lãi suất phổ biến trong khoảng 300-500%/năm, thậm chí, một số trường hợp bị phát hiện cho vay với lãi suất lên tới 700%/năm.

Bên cạnh mức lãi suất 700%, các đối tượng cho vay tín dụng đen thường gắn với hành vi đòi nợ kiểu khủng bố, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, hạn chế tín dụng đen, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân.

Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, lãnh đạo NHNN yêu cầu tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người dân một cách hiệu quả nhất. Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Song song với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến tín dụng đen, là những giải pháp NHNN sẽ triển khai trong thời gian tới để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Để góp phần ngăn chặn, hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh các giải pháp ngành Ngân hàng nhằm tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.

Vì vậy, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen, đề ra các giải pháp đồng bộ trong công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ và công tác đánh giá chứng cứ. Nhất là có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen.

MỚI - NÓNG