Dịp cuối tháng 11, các nhà băng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động |
Thực tế, mức lãi cao thường nằm trong chương trình ưu đãi đặc biệt, dành cho khách quen, khách VIP, áp dụng khoản tiền gửi lớn. Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, với biểu lãi chính thức được các nhà băng niêm yết, mức lãi trên 10% chỉ xuất hiện tại VPBank, Saigonbank.
Từ ngày 22/11, khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings của VPBank được hưởng lãi suất tháng đầu là 11,1%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất các tháng sau là 9,25%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất tháng đầu được nhà băng này áp dụng là 11,07%/năm. Các tháng tiếp theo khách hàng hưởng lãi suất 9,22%/năm.
Từ ngày 25/11, Saigonbank áp dụng lãi suất cao nhất 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng. Khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 10%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này áp dụng lãi suất 9,6%/năm khi gửi online. Ở các kỳ hạn từ 1 - 6 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi suất tối đa 6%/năm.
Nhiều ngân hàng hiện nay cũng điều chỉnh, nâng mức lãi suất tiết kiệm cao trên ngưỡng 9,5%/năm ở nhiều kỳ hạn: SCB, VIB, Kienlongbank, MSB...
Với kỳ hạn 12 tháng, nhiều ngân hàng trả lãi cao trên 9% như: SCB 9,65%/năm; NCB 9,5%/năm; TechcomBank 9,3%/năm... NCB còn tặng thêm 0,2% lãi suất cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại NCB (áp dụng gửi trực tuyến).
Nhiều nhà băng sẽ trả lãi suất thoả thuận, tăng thêm lãi suất cho khách hàng có khoản tiền gửi lớn. Như tại một phòng ngân hàng tại Bà Triệu (Hà Nội), tư vấn viên cho biết, với số tiền từ 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, khách hàng được thoả thuận lãi suất, trên 11%/ năm.
Với nhóm quốc doanh (Big4), lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về VietinBank là 8,2%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng. Trong khi, lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 7,4%/năm, tại BIDV và Agribank là 7,9%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của nhóm Big 4 khá giống nhau, đều cao nhất là 7,4%/năm. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm quốc doanh hiện vào khoảng 1 - 2%, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi.
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng trở lại, thêm hơn 106.000 tỷ đồng trong tháng 9.
Cụ thể, tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế tăng mạnh thêm gần 105.000 tỷ đồng so với cuối tháng 8, đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng thêm 1.436 tỷ đồng, đạt 5,63 triệu tỷ đồng.
Tính đến hết quý 3/2022, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này là rất thấp so với tăng trưởng tín dụng khoảng 11% sau 9 tháng, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng.