Tan ca làm, Minh Nhật (27 tuổi, quận Hà Đông) từ chối những cuộc nhậu của đồng nghiệp, nói rằng về ăn cơm nhà.
Cách đây hai tháng, vợ chồng anh dồn hết tài sản, vay thêm người thân và ngân hàng, quyết định mua căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng, từ đó sống tiết kiệm và chắt bóp chi tiêu.
Vỡ mộng tìm mua chung cư Hà Nội
Vợ chồng Minh Nhật và Thảo Vy (25 tuổi) kết hôn đầu năm 2022, sau đó chuyển đến sống tại một căn chung cư ở quận Nam Từ Liêm, giá thuê 6,5 triệu đồng/tháng.
Gia đình anh luôn tuân thủ quy tắc tài chính: Sau khi trừ đi các khoản chi tiêu, sẽ dành 30% thu nhập để tiết kiệm lâu dài, 10% tiết kiệm ngắn hạn (đầu tư bản thân hoặc các khoản đầu tư mạo hiểm).
Thời điểm này, cặp đôi chưa có ý định mua nhà, một phần vì áp lực tài chính quá lớn trong khi tổng thu nhập mỗi tháng chỉ dao động khoảng 20 - 22 triệu đồng.
"Tôi cảm thấy đây là giai đoạn phát triển của tuổi trẻ, nên dùng tiền đầu tư sinh lời thay vì mua nhà", Thảo Vy nói.
Minh Nhật và Thảo Vy quyết định mua nhà, mong muốn "an cư lập nghiệp" dù bị nói là "mạo hiểm". (Ảnh: Minh Nhân). |
Tháng 7, người chủ quyết định bán nhà, vợ chồng Vy buộc lòng tìm thuê nhà mới, thấy giá tăng cao so với trước. Căn chung cư đáp ứng đủ nhu cầu và tiêu chí của gia đình tăng giá lên mức khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Cùng lúc, Vy đổi việc, lương cứng tăng gấp 3 lần, nên ngân sách chi cho nhà ở cũng tăng lên. Hai vợ chồng tính đến việc mua nhà, tránh những lần chuyển nhà lỉnh kỉnh đồ đạc.
Tìm hiểu thị trường bất động sản đối với phân khúc chung cư giá 2 tỷ, Minh Nhật nhận thấy mỗi năm mức giá này sẽ tăng thêm 100 triệu đồng (khoảng 5%), vượt quá số tiền tiết kiệm hàng năm.
"Nếu chần chừ không mua nhà, thì tương lai với mức tiền 2 tỷ đồng, chúng tôi sẽ phải mua nhà rất xa trung tâm và cũ hơn nhiều những căn có thể mua hiện tại. Dù nhiều người góp ý rằng đợt này giá chung cư tăng mạnh, không nên mua, chờ hạ nhiệt, nhưng tôi tin rằng nhu cầu nhà ở Hà Nội rất khó giảm", anh nói.
Cặp đôi bắt đầu chia nhau lên các hội nhóm Facebook, website bất động sản tìm hiểu giá cả chung cư, cảm thấy "tìm nhà rất dễ, không chọn căn này thì căn khác". Tuy nhiên, họ đã sớm vỡ mộng khi bắt đầu đi xem nhà.
Theo anh Nhật, nhiều bài đăng quảng cáo bán nhà có giá 2 tỷ đồng, nhưng khi hỏi thì người môi giới nói rằng "nhà đã bán hết rồi", cũng có người thành thật "đó là giá quảng cáo để câu khách… Mức giá thật đã tăng lên 2,5 hoặc 2,7 tỷ đồng".
Ngoài ra, trong cùng một dự án xuất hiện nhiều bài quảng cáo khác nhau khiến người mua lầm tưởng có rất nhiều nhà còn trống. Nhưng trên thực tế, quỹ căn chỉ bằng 1/3 số lượng quảng cáo.
"Tôi đã nhiều lần tìm thấy hình ảnh, thông tin căn hộ chung cư rất ưng ý. Tôi xin nghỉ việc, cùng người môi giới đến xem nhà, thì chưng hửng vì đã từng xem qua, không giống với ảnh quảng cáo", anh nói.
Cặp đôi nghĩ tìm mua nhà chung cư cũng... "đơn giản", cho đến khi bắt đầu đi xem nhà. (Ảnh: Minh Nhân). |
Vợ chồng Minh Nhật mua sắm nhiều thiết bị gia dụng nên mỗi lần chuyển nhà đều như "cực hình" - đây cũng là lý do họ quyết định mua nhà. (Ảnh: Minh Nhân). |
Về sau, được một người có kinh nghiệm tìm nhà gợi ý, vợ chồng Nhật loại bớt tiêu chí để việc tìm nhà "dễ thở" hơn, bởi tìm được căn nhà vừa túi tiền vừa có đủ tiện nghi là không thể.
Cả hai bàn bạc, giữ lại một số tiêu chí thực sự cần thiết cho cuộc sống, như tiện ích nội và ngoại khu (trường học, chợ, cửa hàng, sân chơi), nhà có ban công, thoáng đãng (vì chồng mê cây cảnh)…
Họ quyết định tìm mua chung cư cũ, khoanh vùng những tòa nhà được xây dựng 7 năm trở lại đây, trục đường giao thông thuận tiện, ưu tiên quận Hà Đông do có tuyến đường sắt trên cao.
"Tôi chọn chung cư cũ vì với cùng một ngân sách, tôi có thể mua một căn nhà diện tích rộng hơn, dù đánh đổi một phần tiện ích nội khu, sảnh hành lang vào nhà không được hiện đại và bề thế như các căn hộ mới. Nhưng tôi ưu tiên những tiêu chí thiết thực nhất cho cuộc sống - là không gian sống, vì đây là nơi tôi dành nhiều thời gian nhất trong ngày", Minh Nhật cho hay.
Họ xem xét một căn hộ chung cư trong đại dự án từng dính nhiều lùm xùm, nằm trên địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông. Sau tìm hiểu kỹ, đôi vợ chồng trẻ biết được tòa nhà đã có sổ hồng, đáp ứng các tiêu chí sống và quan trọng hơn, các vấn đề thường bị "bêu" lên của đại dự án không ảnh hưởng đáng kể đến sự vận hành của tòa nhà và cuộc sống người dân.
Căn hộ chung cư hai phòng ngủ, diện tích 88m2, nằm ở tầng 9. (Ảnh: Minh Nhân). |
Căn hộ chung cư nằm ở tầng 9, diện tích 88m2, hai phòng ngủ, ban công rộng, có giá 2,3 tỷ đồng, trong khi trong tay cặp đôi chỉ có 100 triệu đồng. Họ vay mượn người thân thêm 900 triệu đồng, vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng với lãi suất 11,5%/năm.
"Tôi vay và trả nợ ngân hàng theo hình thức gốc giữ nguyên lãi giảm dần, thời hạn 35 năm. 5 năm đầu, tôi chấp nhận trích 15-17 triệu đồng/tháng để trả nợ, trong tổng số thu nhập đã tăng lên của hai vợ chồng là 27 - 32 triệu đồng/tháng", người chồng nói.
Tháng 9, cả hai chuyển vào căn hộ chung cư bắt đầu cuộc sống mới, dẫu biết những thách thức đang chờ đợi.
Anh Nhật đặc biệt thích căn hộ này vì trục đường gần với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tiện lợi đến cơ quan. (Ảnh: Minh Nhân). |
Thử thách kép: Gánh lãi suất - chắt bóp chi tiêu
Ngoài việc lãi suất ngân hàng tăng so với đầu năm, theo Minh Nhật, ban đầu anh dự tính vay 1 tỷ đồng, tuy nhiên vỡ kế hoạch do khoản vốn đầu tư đất khoảng 600 triệu đồng bị "kẹt cứng" nên phải huy động tiền bên ngoài.
"Chúng tôi đánh liều vay ngân hàng, vừa gánh lãi suất, vừa làm đủ mọi cách tăng thu nhập", Vy nói đã tìm việc làm thêm, còn chồng cố tăng năng suất công việc.
Cặp đôi cũng tính toán giảm chi tiêu như hạn chế ăn ngoài, hạn chế đi chơi, tự pha cà phê tại nhà thay vì ra quán, dành thời gian làm việc tại nhà.
"Trước đây tôi thường xuyên lân la các quán cà phê để làm việc, nhưng thời gian này tôi ở nhà nhiều hơn. Không gian ban công rộng rãi, thoáng đãng, ngập tràn cây xanh giúp tôi làm việc hiệu quả và dễ dàng", anh Nhật chia sẻ.
Ban công thoáng đãng với nhiều cây xanh trở thành nơi làm việc lý tưởng của anh Nhật. (Ảnh: Minh Nhân). |
Đôi vợ chồng trẻ hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm chi tiêu. (Ảnh: Minh Nhân). |
Nhiều người xung quanh nói vợ chồng Minh Nhật mạo hiểm, nhưng anh đã quá ngán ngẩm cảnh chuyển nhà, mong muốn "an cư lạc nghiệp".
"Nhiều bạn trẻ quan niệm thuê nhà sống sướng hơn, để tận hưởng tuổi trẻ thay vì sống trên khối tài sản hàng tỷ đồng nhưng phải 'bóp miệng' nhịn ăn, không dám chi tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi dự định sớm có con, nên muốn tìm một căn nhà ổn định, không muốn bấp bênh", Vy tâm sự.
Theo Minh Nhật, không có đúng sai giữa hai quan điểm: "Sở hữu một nơi an cư lâu dài" và "thuê nhà - ưu tiên hưởng thụ cuộc sống thoải mái".
Cặp đôi đưa ra lời khuyên, để tăng cơ hội sở hữu nhà, người trẻ cần chủ động hơn trong việc lập kế hoạch tài chính sớm, nỗ lực tăng thêm thu nhập, hạn chế chi tiêu tiêu sản, tìm hiểu kỹ vì những điều môi giới nói chưa chắc là đúng. Quan trọng nhất, thay vì chờ "đủ tiền mới mua nhà", thì hãy "chốt giá hiện tại, trả góp tương lai".
Áp lực trả nợ tạo động lực để vợ chồng Minh Nhật nghiêm túc hơn trong công việc và nỗ lực nhiều hơn. (Ảnh: Minh Nhân). |
Ngoài ra, cân đối giá trị phù hợp với thu nhập của mình cũng là một yếu tố quan trọng. Đừng đòi hỏi những căn nhà ở vị trí gần trung tâm, gần chỗ làm việc, diện tích phải rộng hay những dự án mới đẹp xịn sò trong khi thu nhập không đủ đáp ứng.
"Sau khi mua nhà, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được thoải mái trang trí, sắp xếp ngôi nhà theo đúng ý mình. Chúng tôi cũng có thêm động lực kiếm tiền, áp lực trả nợ giúp nỗ lực hơn rất nhiều và nghiêm túc hơn trong công việc", Vy cho hay mỗi lần có bạn đến chơi, đều tự hào khoe "đây là nhà của mình".