Có thật đó là rừng nghèo?
Năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lúc đó là ông Lữ Ngọc Cư ký công văn 4670/UBND-CN đồng ý cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - TECCO (TPHCM) khảo sát lập dự án nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đrăng Phốk với công suất 28MW tại tiểu khu 430, 431 và 451, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn. Đến năm 2011, ông Trần Hiếu (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) mới ký công văn số 599/UBND-CN cho phép TECCO lập dự án đầu tư xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk. Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm NMTĐ này khoảng 63 ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha (trải dài theo 9km bờ sông Srêpốk) và diện tích chuyển đổi tạm thời 10ha. Theo TECCO, rừng đặc dụng khu vực làm thủy điện này không ảnh hưởng nhiều đến VQG Yok Đôn vì chủ yếu là rừng nghèo và đa dạng sinh học thấp?
Cùng đi với nhiều cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn ngày 12/4, sau 4 giờ lặn lội, chúng tôi tới địa điểm dự kiến làm NMTĐ Đrăng Phốk để kiểm chứng. Từ bến cá Ông Lại (nơi dự kiến ngăn đập NMTĐ) nhìn ra xung quanh đâu đâu cũng thấy những cây bằng lăng cổ thụ cả hai người ôm không xuể. Trên cây bằng lăng cổ thụ sát bờ sông, đoàn khảo sát của chủ đầu tư đã đánh dấu sơn đỏ vị trí làm thủy điện. Bên kia sông Srêpốk, rừng cây cổ thụ dày đặc, sum suê hơn và trải dài xanh thẳm theo dòng sông. Nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tính đa dạng sinh học khu vực rừng này không hề thấp.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn kể: Người dân địa phương đã từng đánh bắt được nhiều cá mõm trâu, cá leo… cả hàng chục ký trên sông Srêpốk. Đây là những loại cá quý có tên trong sách đỏ, chúng bơi ngược theo sông Srêpốk từ Biển Hồ (Campuchia) qua đây sinh sản. Càng đi, chúng tôi càng gặp nhiều loại gỗ quý như hương, cẩm lai, căm xe… phân bố rải rác khắp cánh rừng này. Rõ ràng, hệ sinh thái rừng đặc dụng khu vực này VQG không hề nghèo nàn như TECCO đã nêu.
Phá vỡ hệ sinh thái
VQG Yok Đôn có diện tích hơn 115.000ha, nơi đây rất giàu về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Vì thế, khi chuyển đổi rừng đặc dụng ở vùng lõi làm thủy điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến VQG Yok Đôn. Theo ông Linh, sau khi nhà máy vận hành, nước hồ dâng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc vận chuyển lâm sản bằng đường thủy. Ngoài ra, trong quá trình thi công có nổ mìn, phá đá sẽ gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn từ nổ mìn sẽ làm động vật hoang dã quý của VQG như voi, bò tót... bỏ đi nơi khác. Khi nhà máy chặn dòng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc di cư, sinh sản, môi trường sống của các loài thủy sinh trên dòng sông Srêpốk. Tại hội thảo tham vấn về việc xây dựng thủy điện này được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột ngày 23/3 vừa qua, hầu hết các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đều phản đối việc xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk trong VQG Yok Đôn.
PGS.TS Bảo Huy, Khoa Nông lâm - Đại học Tây nguyên, cảnh báo: ''VQG Yok Đôn là quần thể sinh thái phong phú và đa dạng về sinh học, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng đất Tây Nguyên. Chúng ta không nên tác động tiêu cực vào đây. Nếu cứ đánh đổi rừng đặc dụng để xây dựng thủy điện, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ chẳng còn VQG''.
Nhưng ông Nguyễn Văn Lập (Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Pri, đại diện chủ đầu tư dự án Thủy điện Đrăng Phốk) vẫn khẳng định dự án này không tác động nhiều đến VQG Yok Đôn, và ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái là điều không thể tránh khỏi(?). “Chúng tôi hiểu rõ việc ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái khu vực của dự án là không thể tránh khỏi, nhưng đây là bậc thang thủy điện cuối trên đường sông Srêpốk (thuộc địa phận Việt Nam) và dự án thủy điện duy nhất ở khu vực không phải thực hiện định canh, định cư. Quá trình duyệt quy hoạch đã được các bộ, ngành T.Ư chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất như: Nhà máy nằm dưới thân đập, chiều dài đập qua sông đoạn ngắn nhất (101m), mực nước dâng bình thường 160m (thấp hơn 1m so với bờ sông) và lòng hồ chỉ chiếm diện tích đất lòng sông’’, ông Lập cho hay.
Vi phạm nhiều quy định
“Việc xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn sẽ vi phạm nhiều quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Tại khoản 16, điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nêu rõ: ‘’Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng’’. Khoản 1, điều 19 Nghị định 117/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng cũng quy định: ‘’Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên’’. Còn khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học đã nêu những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có cấm xây dựng công trình nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên”, ông Phạm Tuấn Linh, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn nói.