Giếng nào mà lạ vậy, rau nào mà kỳ vậy? Mời mọi người đến mảnh đất Gio Linh (Quảng Trị) sẽ mắt thấy tai nghe...
Bí ẩn giếng Chăm
Mấy năm trở lại đây, hạn hán miền Trung ngày càng tăng thì một tỉnh được mệnh danh là xứ sở nắng lửa, gió Lào, cát trắng như Quảng Trị lại càng đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Công trình thủy lợi, thủy điện to nhất tỉnh ở miền núi là Rào Quán cũng cạn trơ cả đáy, còn nhiều hồ miền xuôi cũng phơi mình nứt nẻ.
Đến xã Gio An (huyện Gio Linh), trước mắt chúng tôi hiện ra những cái giếng độc đáo, rất cạn, nước trong vắt nhìn thấy đáy, trời nắng chang chang mà thò tay xuống mát lạnh cả người. Người hướng đạo lúc ấy là một "thổ công", cán bộ văn hóa xã, nhà thơ địa phương tên gọi Trần Bình. Lạ thay, khi đến đây một cảm giác mát rượi như làm nhẹ đi tiết trời oi bức. Bà con dân làng Hảo Sơn nhộn nhịp tắm giặt bên những chiếc giếng to nhỏ khác nhau, từ đó nước chảy ra thành suối, trong và mát lạnh. Lạ nữa là mực nước không dâng cao mà cũng không hạ xuống, nghĩa là rất ổn định.
Cánh đồng rau liệt Gio An |
Chị Nguyễn Thị Hiếu, một người dân từ miệt biển Kiên Giang miền Tây lần đầu đến đây cứ xuýt xoa: "Sao người xưa họ tài giỏi, thông minh làm được giếng như vầy?". Ông Trần Bình giải thích đây là hệ thống giếng Chăm ngày xưa để lại, người sau thừa hưởng dễ đã năm, sáu trăm năm, còn tuổi của những giếng này có thể đã ngàn năm. Ông hào hứng dẫn đường giới thiệu những giếng Ông, giếng Bà, giếng Trạng, giếng Đìa... đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Ông nói thêm: "Lạ một điều là trong chiến tranh, mảnh đất Gio Linh là túi bom, túi đạn, vậy mà các giếng cổ lại không can gì".
Ông Nguyễn Quang Trung, một người dân làng Hảo Sơn (xã Gio An) vui vẻ tiếp lời: "Nước giếng cổ mùa đông thì ấm, xuống tắm không bao giờ sợ rét, còn mùa hè thì mát rượi, và từ đời ông bà cho đến những năm này cũng không bao giờ khô cạn. Nước trong lành có thể dùng để uống. Các anh chị thấy đó. Mùa hè nắng cháy, dân những nơi khác kéo nhau về đây thăm thú, đi như đi biển”.
Theo thạc sĩ Sử học Yến Thọ, một người để tâm nghiên cứu văn hóa Chăm ở Quảng Trị, thì giếng cổ ở đây là hệ thống dẫn thủy rất thông minh của tiền nhân, còn phương thức cụ thể thế nào thì đó vẫn là một bí ẩn chưa thể khám phá rạch ròi. Được biết hệ thống giếng Chăm cổ ở Gio An đã được chính quyền địa phương tu bổ và tổ chức thành tua cho du khách trong và ngoài tỉnh đến đây thưởng lãm.
Về Gio Linh mà ăn rau liệt!
Ông Trần Bình xắn quần vừa dọn bữa trưa tiếp khách vừa quảng cáo luôn miệng: "Món rau liệt như dân Gio Linh vẫn gọi, còn ngoài thị trường thì gọi là xà lách xoong. Món ni chắc anh em cũng ăn nhiều rồi, nhưng ăn rau Gio An để xem thế nào, có phải độc nhất vô nhị". Anh em hôm ấy ăn món rau liệt trộn trứng sốt cà chua, ai cũng khen ngon, gật gù: "Đúng là ngon miệng. Rau có vị đắng nhưng xanh, tươi rất hợp khẩu vị. Tôi đã từng ăn rau này mua từ chợ Đà Nẵng, nhưng không thể có hương vị như rau liệt Gio Linh".
Ông Trần Bình lại cao hứng dẫn khách ra giếng cổ. Thì ra lúc ấy ham nhìn giếng, không mấy ai để ý đến rau, giờ trông lại mới biết rau trồng phía dưới giếng cổ toàn là rau liệt. Ông Đinh Thanh, một người bản địa giảng giải: "Rau này sống nhờ nước giếng cổ chảy ra, có từ lúc nào cũng không ai biết rõ. Nhưng nó chỉ sống được ở môi trường nước chảy và nước sạch. Nếu nước tù đọng và bẩn là nó chết ngay. Nói thêm là rau này không sống chung với phân bón, thuốc trừ sâu, nên có thể gọi là rau siêu sạch".
Chị Hoàng Thị Quýt đang chăm những luống rau liệt, ngẩng đầu lên góp chuyện: "Loại rau này thường có thời vụ từ tháng Tám âm lịch cho đến ra giêng. Thu hoạch thì cắt thân và ngọn, để lại cây cao hơn mặt nước, rau sẽ ra lại và thu hoạch tiếp. Trồng rau này được mùa thì gấp mấy lần trồng lúa, nông dân bầy tui cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Còn đầu ra thì không lo, có cứ đem ra chợ Cầu Gio Linh, chợ phiên Cam Lộ, chợ tỉnh Đông Hà. Chưa kể người buôn về đây mua sỉ. Trồng rau liệt trúng mỗi sào thu hoạch vài chục triệu bạc".