Ký sự Trường Sa: Những lá phiếu nơi đầu sóng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cũng như ở các đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc, quân và dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) háo hức chờ đến ngày được cầm lá phiếu bầu chọn những đại biểu ưu tú nhất. Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp ở huyện đảo Trường Sa diễn ra khẩn trương, sôi nổi...
Ký sự Trường Sa: Những lá phiếu nơi đầu sóng ảnh 1

Công tác bầu cử ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã hoàn tất

Ngày hội lớn

Những ngày này tại Trường Sa, băng rôn, khẩu hiệu được treo lên ở nhà văn hóa, nhà làm việc và rộn ràng khắp các nẻo đường. Danh sách cử tri, các quy định về bầu cử cũng được niêm yết để mọi cán bộ, chiến sỹ và người dân theo dõi. Có mặt tại xã Song Tử Tây, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân náo nức trang trí khu vực sân vận động và xung quanh cột mốc chủ quyền, nơi sẽ diễn chương trình khai mạc bầu cử ở xã đảo này.

Ông Nguyễn Thế Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết: “Bản thân tôi cũng như các hộ dân trên đảo mong muốn cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng quy định. Đối với những đại biểu được cử tri tín nhiệm, phải là những người tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của bà con nhân dân trên đảo, đặc biệt là giúp bà con phát triển kinh tế biển đảo. Với những quyết tâm mới, khí thế mới, nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo đang háo hức hướng về “ngày hội lớn” của non sông”.

"Đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị và đã thành lập ban bầu cử, cơ sở vật chất liên quan đã kiểm tra kỹ càng. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều được học tập luật bầu cử, phổ biến những quy định chung. Ngoài ra, đảo Sơn Ca còn phát động thi đua, lập nhiều thành tích chào mừng ngày hội lớn”, Trung tá Nguyễn Như Tuyến - Chính trị viên đảo Sơn Ca nói.

Ký sự Trường Sa: Những lá phiếu nơi đầu sóng ảnh 2

Người dân quần đảo Trường Sa xem niêm yết cử tri và thông tin đại biểu

Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Lê Đình Hải cho hay: “Luật bầu cử được cập nhật với những tài liệu mới nhất, thông qua việc tuyên truyền hàng ngày, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để quán triệt. Thị trấn đã tổ chức Hội nghị hiệp thương ba lần theo đúng luật định. Đặc thù là đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên các điểm đảo đã chuẩn bị danh sách, thẻ cử tri dự bị để sẵn sàng ghi tên, phục vụ ngư dân đang đánh bắt xa bờ, không có điều kiện trở về đất liền trong ngày bầu cử. Phải đảm bảo quyền công dân của ngư dân”.

Cũng theo ông Lê Đình Hải, thị trấn Trường Sa đang quản lý về mặt hành chính tám điểm đảo khác nhau, công tác bầu cử được triển khai theo đúng quy định. Tuy nhiên, do nằm phân tán, nhỏ lẻ, các điểm đảo sẽ có tổ bầu cử, những tàu được phân công nhiệm vụ đi đến từng điểm đảo cùng phối hợp để cử tri thực hiện quyền công dân của mình. Mới đây, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đồng ý cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức bầu cử sớm tại 20 khu vực bỏ phiếu ở các điểm đảo thuộc thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây vào ngày 16/5. Riêng khu vực bỏ phiếu thuộc đảo Trường Sa Lớn, thị trấn Trường Sa và 3 khu vực còn lại thuộc huyện Trường Sa nằm trên đất liền vẫn tiến hành bầu cử theo đúng thời gian quy định là ngày 23/5.

Tâm nguyện những lá phiếu nơi đảo xa

5 năm một lần, ngày hội lớn của non sông đang đến gần. Người dân và cán bộ, chiến sỹ trên các đảo, nhà giàn nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đang háo hức chờ đến ngày được cầm lá phiếu trên tay. Những người dân ở nơi biển đảo mong muốn các đại biểu được dân tin sẽ đem hết sức mình góp phần gìn giữ cương vực vùng biển quê hương.Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: “Cử tri huyện đảo mong muốn các đại biểu được lựa chọn sẽ quan tâm, chăm lo đến những vùng biên giới, hải đảo nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng; vững vàng xử lý mọi tình huống xảy ra. Đồng thời, có trách nhiệm và tâm huyết trong việc tập hợp đồng bào, chiến sỹ, nhân dân cả nước hướng về Trường Sa, tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”.

Đại úy Đỗ Xuân Tới (đảo Song Tử Tây) nói: “Tôi mong rằng Nhà nước tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từ đó giúp các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh hơn. Xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khai thác, đánh bắt thủy hải sản, bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Chị Đặng Thị Báu (SN 1994, đảo Song Tử Tây) chia sẻ: “Gia đình tôi ra đảo được 3 năm, tuy không đủ đầy như trên đất liền nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống ổn định. Các con được đến trường học chữ, được chăm lo về sức khỏe. Những ngày qua, chồng tôi cùng các chiến sỹ đi treo băng rôn, khẩu hiệu còn tôi dọn dẹp quanh nhà, cắt tỉa lại các hàng hoa cho ngay ngắn đón chào ngày bầu cử. Tôi cảm thấy vinh dự khi cầm lá phiếu trên tay bầu chọn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ngay trên quần đảo thiêng liêng”.

Nắm được thông tin chuẩn bị đến ngày bầu cử, anh Nguyễn Thanh - Thuyền trưởng tàu QNg 90585 TS đã cho tàu cập đảo Song Tử Tây để thực hiện quyền công dân của mình. “Tàu chúng tôi đánh bắt xa bờ nên sẽ mất nhiều thời gian về tới đất liền. Từ khu vực tàu đang đánh cá tới đảo gần hơn, nên đến ngày bầu cử các thuyền viên sẽ ghé lên đảo bỏ phiếu. Qua đợt bầu cử này, tôi cùng thuyền viên trên tàu mong muốn các đại biểu được tín nhiệm sẽ quan tâm cho cuộc sống của người dân, nhất là những vùng khó khăn ở biên giới, hải đảo. Vì thế, tôi sẽ cân nhắc thật kỹ và lựa chọn người có đức, có tài, phụng sự Tổ quốc và nhân dân”, anh Thanh nói.

Như nhiều chiến sỹ trẻ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Trung sỹ Cao Ngọc Nguyên (đảo Sơn Ca) lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử. “Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của một người công dân và phấn đấu rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Tôi gọi điện về quê, bố tôi rất vui khi biết con trai đã trưởng thành”, Trung sỹ Nguyên cho biết. Cùng tâm trạng với Nguyên là hai chiến sỹ trẻ ở đảo Sơn Ca. Vừa hoàn thành nhiệm vụ canh gác, hai cử tri trẻ tuổi đã tới tủ sách của đơn vị để tìm đọc những tài liệu liên quan tới bầu cử. Ánh mắt chăm chú, khuôn mặt ai nấy đều toát lên vẻ nghiêm túc tìm tòi thông tin...

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.