Câu chuyện của một trung tá hải quân...

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bố tôi trở về nhà và mang theo một va ly lớn chứa hàng trăm lá thư mà bà con, cô bác, học sinh, sinh viên cả nước gửi gắm. Đọc hết những lá thư ấy, tôi cảm nhận được tình cảm mà nhân dân quý mến lực lượng Hải quân nói chung, quý mến bố nói riêng, thôi thúc tôi quyết tâm khoác màu áo lính nơi “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc”, Trung tá Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Câu chuyện của một trung tá hải quân...  ảnh 1

Trung tá Vũ Anh Tuấn (thứ tư, phải sang) cùng đoàn công tác giao lưu với chiến sỹ trẻ

Trải lòng về người bố anh hùng

Trên chuyến tàu HQ 571 chở đoàn công tác số 4 ra thăm Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, tôi được gặp Trung tá Vũ Anh Tuấn - Trợ lý Phòng Cán bộ, Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân. Anh Tuấn là con trai của Anh hùng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng đã chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền không thể đánh chìm trong sự kiện 14/3/1988.

33 năm sau, chuyến hải trình đưa con trai của Anh hùng Vũ Huy Lễ tới đảo Cô Lin. Giữa trùng dương rộng lớn, ngắm nhìn từng tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ trên đảo, không giấu nổi cảm xúc tự hào, Trung tá Vũ Anh Tuấn chia sẻ: “Tất cả là hình hài của tổ quốc thân yêu, là hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của thế hệ cha, ông”.

Đón nhận cơn gió của biển cả quê hương, anh Tuấn có những trải lòng về người cha anh hùng, người góp phần tạo dựng niềm kiêu hãnh của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Theo anh Tuấn, Cô Lin là một bãi cạn, khi thủy triều xuống thì đảo nhô lên, thủy triều lên thì thành bãi ngầm. Năm 1988, bố anh là Thuyền trưởng thực hiện nhiệm vụ chỉ huy tàu HQ 505 cắm cờ, cắm cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin. Trong quá trình ấy, kẻ địch bất ngờ tấn công chiếm đảo, đạn pháo bắn liên tiếp khiến tàu bị hỏng và nguy cơ chìm.

“Trước tình thế mất đảo, chi bộ của tàu hội ý nhanh, bằng bất cứ giá nào cũng phải thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ngoài việc động viên các chiến sỹ bình tĩnh sửa chữa máy móc bị hư hỏng, bố tôi đưa ra quyết định, dùng hết tốc lực của tàu lao lên đảo. Cờ Tổ quốc tung bay, 2/3 con tàu nằm trên đảo trở thành pháo đài không thể đánh chìm. Cuộc chiến sống còn, bố tôi ra lệnh hạ xuồng rồi cùng các chiến sỹ ứng cứu tàu HQ 604, HQ 605 đang bị địch tấn công”, Trung tá Vũ Anh Tuấn kể.

“Nghe đài báo tin, mẹ tôi lo lắng nhưng tôi không thấy mẹ khóc. Mẹ vững vàng trấn an 3 anh em tôi “Vì Tổ quốc, bố có hy sinh thì các con còn mẹ, mẹ sẽ nuôi dạy các con nên người”. Ngày nào mẹ cũng xuống Hải đoàn 128 để nghe ngóng thông tin về Trường Sa. Từng ngày qua đi, mắt mẹ thâm quầng. Sau một tuần, cả nhà nhận được tin, con tàu do bố làm thuyền trưởng không bị chìm, bố còn sống và đang xung phong ở lại trực đảo.

Khoảng 3 tháng sau, bố được về bờ và 5 tháng sau bố về tới nhà. Cả nhà vui mừng, lúc này tôi mới thấy mẹ òa khóc. Các em tôi cũng sà vào lòng bố còn tôi đứng yên nhìn bố, nhìn khuôn mặt cương nghị, nhìn màu áo lính Hải quân mà quên mất mình chưa cất tiếng chào. Bế hai em, bố tiến lại mỉm cười xoa đầu, tôi mới sực tỉnh”, Trung tá Tuấn kể.

Những lá thư hun đúc ước mơ người lính

Hướng mắt nhìn về những chiến sỹ đang vui ca giao lưu với đoàn công tác, Trung tá Vũ Anh Tuấn nói: “Bộ quân phục Hải quân có nhiều ý nghĩa. Áo màu trắng là mây trời, quần màu xanh là nước biển, trên chiếc yếm có nhiều vạch tượng trưng cho những con sóng, còn chiếc mũ kê pi chiến sỹ có hai dải phía sau vừa tượng trưng cánh chim hải âu tung bay trong gió biển, vừa để chiến sỹ rõ về tốc độ, hướng gió... Điều đó, tôi biết khi còn nhỏ và chứng thực mỗi khi bố được nghỉ phép về nhà”.

Ước mơ trở thành người lính Hải quân càng trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn khi anh Tuấn đọc những lá thư mà người dân cả nước gửi cho bố mình. “Sau sự kiện 1988, bố về nhà mang theo một valy lớn, bên trong không phải là quần áo, không phải là huy chương, bằng khen cũng không phải là kỷ vật lưu giữ nơi đảo xa mà là những lá thư. Tôi hiếu kỳ, đọc từng trang viết, rồi cuốn mình ngấu nghiến con chữ lúc nào không hay. Thư của các bác ở miền Nam, miền Trung, miền Bắc, của sinh viên, học sinh gửi bố, có thơ, ca và vè, nhiều thể loại lắm. Nhưng với tôi, quan trọng nhất là cảm nhận được tình cảm mà nhân dân cả nước quý mến lực lượng Hải quân nói chung, quý mến bố tôi nói riêng. Thôi thúc tôi quyết tâm khoác màu áo lính nơi “đảo là nhà, biển là quê hương””, Trung tá Vũ Anh Tuấn tâm sự.

Câu chuyện của một trung tá hải quân...  ảnh 2

Đảo Cô Lin, thuộc Quần đảo Trường Sa

Năm 1994, học xong THPT, Vũ Anh Tuấn viết đơn xin nhập ngũ. Năm 1996, anh thi đậu vào học viện Hải quân. Anh cho biết: “Ra trường tôi xin về Lữ đoàn 125 nơi bố từng công tác. Lữ đoàn có bề dày truyền thống làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển. Hơn 10 năm đảm nhận nhiều vị trí của tàu vận tải đổ bộ, tàu chiến đấu, tàu vận tải khách, tôi được cử đi học chỉ huy tham mưu cấp trung Lữ đoàn. Học xong tôi về nhận nhiệm vụ tại văn phòng Bộ Tư lệnh, tham mưu giúp việc cho các thủ trưởng. Đến 2014, tôi chuyển sang công tác ngành cán bộ, tại đây, tôi đảm nhận vị trí Trưởng ban cán bộ Bộ tham mưu. Năm 2020, tôi được chuyển lên phòng cán bộ của Quân chủng cho đến nay”.

Chia sẻ về hành động của bố mình khi lao tàu lên giữ đảo, Trung tá Vũ Anh Tuấn cho hay: ”Hành động của bố cùng đồng đội thể hiện sự mưu trí, bản lĩnh cũng như quyết đoán. Đó là tinh thần anh dũng, khí phách sáng ngời, tô thắm phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân”.

Trời chiều đổ nắng, váng hoàng hôn xuất hiện nơi chân trời. Đứng bên cột mốc chủ quyền tại đảo Cô Lin, Trung tá Vũ Anh Tuấn vuốt ve điểm ghi tọa độ, anh hồi tưởng lại hình ảnh, hành động của bố mình.

Anh thông tin: “Trong căn nhà nhỏ của gia đình tôi có một phòng truyền thống. Ở đó, có hình Bác Hồ, bác Giáp, có huân chương, huy chương, bằng khen... của bố. Cuối tuần cả gia đình quây quần sinh hoạt trong căn phòng, tôi mở những video về bố để các cháu xây dựng, hình thành ý tưởng trong đầu. Còn đối với công việc, tôi tâm niệm luôn luôn cố gắng, đem khả năng, sức lực của mình đóng góp giữ gìn phát huy truyền thống đơn vị. Với các chiến sỹ trẻ, tôi cũng mong muốn các em không ngừng tu dưỡng, phải tin yêu đồng đội, xem đơn vị là gia đình, từ đó quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

MỚI - NÓNG