Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay, do tác động của hiện tượng La Nina, mùa bão đến muộn nhưng tần suất bão nhiều hơn hẳn, dồn dập trong những tháng cuối năm.
Chỉ riêng tháng 10 có tới 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. “Đối chiếu trong lịch sử, duy nhất năm 1983 là có số lượng cơn bão trong tháng 10 nhiều như năm nay”, ông Hưởng nói.
Tháng 11 cũng đã có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (bão số 10 và bão số 11). Dự báo ngày mai (12/11), bão VAMCO sẽ vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông, trở thành bão số 13 trong mùa mưa bão năm nay. Dự báo đây là cơn bão mạnh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ nước ta cuối tuần này (14-15/11)
Ông Hưởng cho biết, sau bão số 13, từ nay đến cuối năm, Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 1-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cũng không loại trừ nguy cơ đến đầu năm 2021, trên Biển Đông vẫn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới.
Cùng với bão/áp thấp nhiệt đới, năm nay không khí lạnh đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Không khí lạnh kết hợp với bão/áp thấp nhiệt đới cùng dải hội tụ nhiệt đới trên cao hình thành nên tổ hợp thời tiết đa thiên tai khiến miền Trung đón nhiều đợt mưa lớn liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11, kéo theo nhiều thiên tai khốc liệt như lũ lụt, sạt lở đất.
Mưa lũ cũng lập kỷ lục trong tháng 10. Trên nhiều dòng sông xuất hiện mưa lũ lớn nhất lịch sử như sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Bồ, sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Về không khí lạnh, ông Hưởng cho biết, do tác động của La Nina, mùa đông năm nay lạnh hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài sẽ tập trung vào các tháng chính đông là tháng 12/2020 và tháng 1-2/2021, đề phòng khả năng xuất hiện các đợt băng giá, sương muối kéo dài.