Ký hay không ký?

Ký hay không ký?
TP - Tại buổi làm việc đầu tuần này của Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc với Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tuyên bố : Dời trụ sở mà làm chung cư, tôi không ký nữa !.

Ông Thảo lý giải rằng, mục đích di dời các trường học, bệnh viện hay trụ sở một số bộ ngành ra khỏi nội đô sẽ không còn ý nghĩa giảm tải một khi khoảng đất trống đó lại đem làm chung cư, khu đô thị, hoặc đem bán cho tư nhân. Ông Thảo kiến nghị “thành phố xin mua lại, giữ đúng mục đích dành cho sinh hoạt công, hình thức mua cũng từ vốn ngân sách, ghi thu, ghi chi, có vậy mới đạt được mục đích giảm ùn tắc”.

Với tuyên bố rõ ràng trên của ông Thảo, có thể hiểu rằng từ nay những mảnh “đất vàng” giữa thủ đô sẽ thoát khỏi cảnh bị lăm le “thôn tính”, biến thành trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp như trước đây.

Trước phản ứng dữ dội của công luận, hẳn người dân thủ đô còn nhớ một quyết định đúng đắn khác của ông Thảo hồi đầu nhiệm kỳ trước : Không cho xây chợ 19-12 thành TTTM mà để làm con đường cùng tên đầy ý nghĩa. Những quyết định dạng đó chắc không dễ dàng gì giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, giữa thời lợi ích nhóm đan xen thậm chí giành giật với lợi ích công như hiện nay.

Cũng liên quan đến một số quyết định mới đây của Hà Nội về đổi giờ học, giờ làm hay về dẹp bãi trông giữ xe trên hàng trăm tuyến phố, trả lời phỏng vấn trên báo Đất Việt, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, “quan trọng nhất đối với người quản lý là nghĩ cho chín, điều tra kỹ rồi mới quyết định để phù hợp với thực tế, với quyền lợi của người dân. Đặc biệt, nếu thấy sai thì cần điều chỉnh ngay và cũng nên chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Trên thực tế, chỉ sau 1 tuần ban hành, quyết định về đổi giờ học phải chỉnh sửa vì những bất cập mà nhiều người đã tiên liệu từ trước. Ông Thuyết cũng cho rằng, “khó nhất là phải ra được những quyết định đúng đắn trong những trường hợp phức tạp, thời điểm có tính chất bước ngoặt và trong trường hợp đó người ta mới cần đến “cái đầu” của nhà quản lý. Còn nếu mọi việc diễn ra bình thường thì đơn vị quản lý cũng chẳng có việc để làm vì người dân cứ theo quy trình thực hiện”.

Hãy tưởng tượng, một Hà Nội thoáng đãng của vài chục năm sau với rất nhiều quảng trường, công viên và cây xanh, nhiều không gian công cộng có kiến trúc đẹp cho dân chúng đi dạo. Nếu điều đó thành hiện thực, chắc chắn 3 từ “tôi không ký !” vì lợi ích công sẽ được hậu thế trân trọng và ghi nhận. Trường hợp ngược lại, hẳn không tránh khỏi bị dư luận lên án.

Dám “ký” hay “không ký” trong những tình huống khó khăn, nhạy cảm bộc lộ đầy đủ phẩm chất và năng lực, tâm và tầm của người đứng đầu. Thậm chí kết quả của hành động này sẽ được hậu thế lưu danh muôn thủa, chỉ có điều theo nghĩa nào mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.