Kiện toàn cơ cấu tổ chức Tổng cục TDTT

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 6/7, thông tin của Tiền Phong cho biết Bộ VH-TT&DL đang triển khai kế hoạch kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) theo hướng giảm cấp trung gian. Theo mô hình này, Tổng cục TDTT sẽ bị xoá bỏ, chuyển thành Cục Thể thao.

Trước đó ngày 2/7, Bộ Nội vụ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Từ đó, Bộ Nội vụ yêu cầu Bộ VH-TT&DL nghiên cứu hoàn thiện phương án cơ cấu lại bộ máy Tổng cục Du lịch và Tổng cục TDTT, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức Tổng cục TDTT ảnh 1

Thành tích của thể thao khơi gợi tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc ảnh: Như Ý

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL tại cuộc làm việc hôm qua, trong sáng 7/7, Tổng cục TDTT sẽ có cuộc làm việc để nghiên cứu các phương án triển khai. Chiều cùng ngày, Tổng cục TDTT có thể lấy ý kiến rộng rãi cán bộ trong ngành trước khi có văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL. Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, ngành thể thao sẽ phải đưa ra phương án dự kiến trước ngày 10/7, tức là chỉ còn 3 ngày.

Vị này cũng bày tỏ lo lắng việc Tổng cục TDTT bị “hạ cấp” xuống cấp Cục trực thuộc Bộ VH-TT&DL, công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước lĩnh vực thể thao đối với các địa phương sẽ gặp khó khăn. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển thể thao ảnh hưởng.

“Hiện chức năng của TDTT ngoài nhiệm vụ trọng tâm nâng cao sức khoẻ, thể lực tầm vóc người Việt Nam thì còn phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như kinh tế, chính trị, văn hoá…Đặc biệt hiện nay việc phát triển kinh tế thể thao rất mạnh. Đối tượng quản lý của lĩnh vực thể thao là HLV, VĐV, trọng tài, bác sĩ…mang tính đặc thù và chuyên ngành. Luật TDTT quy định 10 loại hình thể thao ở Việt Nam, để quản lý đòi hỏi phải là mô hình Tổng cục mới đáp ứng được yêu cầu”-vị này cho biết.

Băn khoăn

Đây là câu hỏi đặt ra của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh-nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ SEA Games, Asiad. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết năm 1946, Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh niên và Thể dục, là tiền thân của Tổng cục TDTT. Giai đoạn sau đó từ năm 1957 tới nay, Tổng cục TDTT nhiều lần đổi tên và mô hình, với nhiều giai đoạn là đơn vị trực thuộc Chính phủ. Đến năm 2007, Tổng cục TDTT được thành lập, trực thuộc Bộ VH-TT&DL.

Nhiều năm trước, một số ý kiến trong ngành thể thao, tiêu biểu là nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu đã kiến nghị tách thể thao thành ngành độc lập. Lý do, đây là ngành đặc biệt, cần một vị trí riêng biệt để tạo điều kiện phát triển. Chung quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng việc Tổng cục TDTT bị “hạ cấp” xuống cấp Cục là tin buồn với ông và các cán bộ, nhân viên ngành thể thao.

“Hai nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thể thao là phát triển sức khoẻ toàn dân và thể thao thành tích cao. Tôi cho rằng yêu cầu của Bộ Nội vụ chỉ tập trung vào việc giảm cấp trung gian nhưng chưa xét tới đặc thù ngành thể thao. Cần xem xét hình thức nào có thể tham mưu cho Chính phủ, làm việc hiệu quả với các địa phương và quan hệ quốc tế. Nếu chỉ cấp Cục, việc chỉ đạo các địa phương của Tổng cục TDTT có thực hiện được hiệu quả hay không? Tổng cục có trực tiếp thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế được không?”-ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, vấn đề này cần đặt ra trong bối cảnh hoạt động thể thao hiện nay do nhiều tổ chức liên đoàn thực hiện, vốn chưa đủ năng lực và chưa được giao quyền. Chỉ số ít liên đoàn như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang tự chủ được kinh phí hoạt động, tổ chức bộ máy tốt. Nếu không có phương án hợp lý, sự phát triển của thể thao Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

MỚI - NÓNG